Bảo hiểm thất nghiệp cần hướng vào hỗ trợ học nghề

Chính sách bảo hiểm (BH) thất nghiệp đã được thực hiện theo Luật Việc làm từ đầu năm 2015 với nhiều điểm mới. Tuy nhiên, việc thực hiện chế độ BH thất nghiệp cho người lao động theo đúng phương châm “đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn” trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn…

Nhiều chế độ mới cho người tham gia BH thất nghiệp

Sau gần một năm triển khai chế độ BH thất nghiệp theo Luật Việc làm, thống kê cho thấy, có hơn 450 nghìn người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), trong đó có 444.954 người có quyết định hưởng TCTN; số người được tư vấn giới thiệu việc làm là 387.338 người; số người được hỗ trợ học nghề là 21.142 người. So với những năm đầu thực hiện chế độ BH thất nghiệp, con số này đã tăng lên rất nhiều.

Phó Cục trưởng Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Lê Quang Trung cho biết: Kể từ khi chuyển chế độ BH thất nghiệp sang thực hiện theo Luật Việc làm, đã có nhiều điểm mới có lợi cho người lao động so với quy định trước đây của Luật Bảo hiểm xã hội. Thứ nhất, lao động có hợp đồng lao động từ đủ ba tháng trở lên là có thể tham gia đóng BH thất nghiệp, trong khi điều kiện trước đây là hơn một năm. Người sử dụng lao động chỉ sử dụng từ một lao động trở lên cũng thuộc đối tượng tham gia chính sách này trong khi trước đây quy định doanh nghiệp phải có 10 lao động trở lên mới thuộc đối tượng tham gia.

Theo quy định, người lao động tham gia BH thất nghiệp sẽ được hưởng đầy đủ bốn chế độ gồm: TCTN; tư vấn giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề đối với đối tượng tham gia BH thất nghiệp từ đủ chín tháng trở lên; hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp để bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề, duy trì việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, những người đang hưởng TCTN được hưởng bảo hiểm y tế và được quy định trong Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); mức hỗ trợ học nghề cũng được tăng lên 1.000.000 đồng/người/tháng tùy theo ngành nghề đào tạo và đào tạo trong sáu tháng thay cho mức hỗ trợ trước kia chỉ 300.000 đồng/tháng…

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện chính sách BH thất nghiệp hiện nay là nhận thức của một số người lao động, người sử dụng lao động về chính sách này còn hạn chế. Nhiều người chưa hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình trong việc tham gia và hưởng BH thất nghiệp. Người lao động không trung thực khi khai báo tình trạng việc làm; các doanh nghiệp phần lớn chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động theo quy định nên không cập nhật chính xác số liệu về tình hình lao động tại địa phương; một số doanh nghiệp chậm đóng, nợ đọng BH thất nghiệp nên không chốt được sổ BHXH gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người lao động, ảnh hưởng đến công tác thực hiện chính sách BH thất nghiệp…

Cần hướng vào việc giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề

Sau gần bảy năm triển khai chính sách BH thất nghiệp, có một thực tế, số người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm còn quá ít so với số người có quyết định hưởng TCTN. Năm 2010, cả nước chỉ có 270 người được hỗ trợ học nghề, số người được tư vấn giới thiệu việc làm là 125.562 người. Trong 10 tháng năm nay, con số này đã tăng lên, số người được tư vấn giới thiệu việc làm chiếm khoảng 86% (hơn 380 nghìn người) và có 21.212 người được hỗ trợ học nghề, số người có quyết định hỗ trợ học nghề tăng hơn 30% so cùng kỳ năm 2014.

Có thể thấy, công tác hỗ trợ học nghề đã có những chuyển biến tích cực sau khi Quyết định 77/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định tăng mức hỗ trợ học nghề mới đối với người lao động đang hưởng TCTN lên 1.000.000 đồng/tháng, trong thời gian sáu tháng. Số người được hỗ trợ học nghề ngày càng tăng nhanh tại một số địa phương có số người hưởng TCTN lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Tuy nhiên, tại nhiều vùng, công tác hỗ trợ học nghề vẫn còn yếu, có vùng không có hoặc có rất ít lao động đang hưởng TCTN được hỗ trợ học nghề.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hà Nội Nguyễn Toàn Phong cho rằng, cần hướng người lao động vào việc hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm, việc nhận hỗ trợ TCTN chỉ là một trong những quyền lợi của người lao động, vì đây vẫn là nguồn lực lao động quan trọng cần có những biện pháp hỗ trợ để họ sớm quay trở lại thị trường lao động.

Cùng với việc giải quyết chế độ cho người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hà Nội tập trung nhiều cho công tác giới thiệu việc làm thông qua tổ chức các phiên giao dịch việc làm thường xuyên, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề. Tại Trung tâm, tỷ lệ người thất nghiệp đăng ký xin học nghề đều tăng hằng năm. Năm 2015, Trung tâm dự kiến sẽ có khoảng hơn 2.000 người được hỗ trợ học nghề…

Để chính sách BH thất nghiệp được thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách BHXH nói chung và BH thất nghiệp nói riêng tới từng người lao động, người sử dụng lao động với nhiều hình thức phong phú và phù hợp cho từng đối tượng. Phối hợp với BHXH Việt Nam tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BH thất nghiệp nhằm phát hiện những vướng mắc, những vi phạm hay trục lợi BH thất nghiệp để kịp thời xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động khi tham gia và thụ hưởng chế độ BH thất nghiệp. Đặc biệt là sự kết nối giữa hai ngành về cơ sở dữ liệu thu BH thất nghiệp, cũng như giải quyết BH thất nghiệp để tạo điều kiện hơn nữa cho các địa phương trong việc tổ chức.

Đồng thời, xây dựng các mô hình chuẩn hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm để thực hiện tốt việc kết nối cung - cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động hoặc tư vấn học nghề để hỗ trợ người lao động nâng cao tay nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2009 mới chỉ có khoảng 5,993 triệu người tham gia BH thất nghiệp, với tổng số thu là hơn 3.510,7 tỷ đồng, đến chín tháng năm 2015, số người tham gia BH thất nghiệp là hơn 10 triệu người với tổng số thu là hơn 7.000 tỷ đồng và chi các chế độ BH thất nghiệp là hơn 3.378 tỷ đồng…