Giúp người trẻ vượt qua khủng hoảng

Những năm gần đây, xu hướng bộc phát những hành vi tiêu cực trong cuộc sống đang gia tăng ở giới trẻ (nhất là ở độ tuổi từ 16 đến 28). Mới đây nhất, một bạn trẻ đã tự đâm mình vì bị bạn gái từ chối tình yêu, hai bạn trẻ khác yêu nhau nhưng do gia đình không cho phép nên đã tự kết liễu đời mình… Qua những bi kịch trên, có thể thấy quan niệm sống, lối sống của một bộ phận giới trẻ Việt Nam hiện nay đáng báo động. 

Không chịu nổi áp lực

Nhiều phụ huynh cho rằng, họ thật sự không hiểu được con cái của mình đang nghĩ gì, nhiều người một ngày chỉ tiếp xúc, nói chuyện với con được vài giờ. Chị Thu Phương ở quận Gò Vấp (TPHCM) cảm thấy rất sốc khi đọc được những thông tin về các trường hợp vừa kể trên. Chị Phương cho biết: “Tôi gần như không dám kể cho con gái đang là sinh viên năm nhất Trường Đại học Kinh tế TPHCM biết về những chuyện đã đọc, vì sợ con bị sốc như mình rồi gieo vào đầu con những suy nghĩ tiêu cực. Ngoài biện pháp đó ra tôi không biết sẽ phải chia sẻ như thế nào với con”.

Khác với chị Phương, chọn phương pháp cởi mở hơn với con của chị Mai Anh ở quận 11, cũng có thể coi là giải pháp tối ưu. Chị Mai Anh cho biết, chị thường xuyên nói chuyện với con về những lối sống không lành mạnh, tiêu cực của giới trẻ và lên án kịch liệt những cách sống như thế để tìm sự đồng tình của con. Quả nhiên, sau những lần nói chuyện, con trai chị cũng tỏ quan điểm của nó nên chị yên tâm hơn, nhưng thật sự trong lòng chị vẫn hoang mang không biết con trai có thật sự nghĩ như vậy…

Một nhóm sinh viên năm 2 Trường Đại học Kiến trúc TPHCM, sinh hoạt tại NVH Thanh niên thì mỗi người một cách nghĩ. Bạn Thanh Duyên  cảm thấy dễ chán nản khi không thực hiện xong một đề tài ở trường hoặc dễ nổi nóng và mất bình tĩnh với áp lực học. Trước đây, Duyên ít khi rơi vào trạng thái như vậy vì có thời gian ở nhà vui chơi với em; được ba, mẹ đưa đi học, còn bây giờ tự đi xe đến trường, ngay cả việc kẹt xe cả giờ cũng có thể khiến Duyên có suy nghĩ bỏ tiết học. Lúc đó, quả thật Duyên không biết mình sẽ phải làm gì.

Nói về chuyện tình yêu trong giới trẻ, nhiều sinh viên tỏ rõ quan điểm có tình cảm khác phái thì chuyện học mới vui hơn, có động lực hơn, nhưng ngược lại, khi giận hờn cũng khiến tâm lý bị stress tột độ. Đa số các bạn đều có thái độ chán nản một hoặc hai lần trong cuộc sống…

Không chỉ riêng trong giới sinh viên, nhiều bạn trẻ ra trường nhưng chưa kiếm được việc làm cũng tỏ ra chán nản và đã có những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống. Bạn T.L. ở quận Bình Thạnh tâm sự, đã từng có ý định… tự tử vì cảm thấy mình vô dụng, ăn bám vì không có việc làm, túng thiếu đủ thứ.

Thay đổi và kiểm soát bản thân, lối sống

Ở Việt Nam, tự tử là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở người trẻ (xếp sau nhóm nguyên nhân do tai nạn giao thông), mặc dù Việt Nam không phải là nước có tỷ lệ tự tử trong giới trẻ cao trong khu vực. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người chết vì tự tử trên thế giới, tăng 60% so với 50 năm qua. Điều đáng lo ngại là độ tuổi có hành vi tự tử tập trung chủ yếu ở lứa tuổi 15-25.

Còn theo kết quả điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam (SAVY2) được công bố gần đây: 73,1% thanh niên được hỏi cho biết từng có cảm giác rất buồn chán. Trên 25% trẻ vị thành niên và thanh niên trải qua cảm giác rất buồn hoặc thấy mình là người không có ích, đến nỗi không thể hoạt động như bình thường. Tỷ lệ vị thành niên và thanh niên từng cảm thấy hoàn toàn thất vọng về tương lai có 21,3% và 4,1% người đã từng nghĩ đến chuyện tự tử.

Việc gia tăng cảm xúc buồn hay trầm cảm và thất vọng về tương lai thật ra xuất phát từ nhiều nguyên do, trong đó yếu tố áp lực từ khuynh hướng xã hội đang nhấn mạnh đến sự thành đạt theo hướng giàu hơn, sang trọng hơn, nổi tiếng hơn, tiêu xài nhiều hơn… trong khi sự giáo dục nhân cách con người có vẻ bị đuối sức. Ở các quốc gia đang phát triển, giới trẻ luôn có áp lực về việc làm ra tiền nhiều hơn, do vậy sự chú tâm được đặt hầu như vào kinh tế mà vô tình bỏ quên hoặc tạo ra sự mất cân đối với các khía cạnh giáo dục và văn hóa.

Do vậy, theo thạc sĩ Ngô Minh Uy, đối với bạn trẻ, điều quan trọng cần quan tâm là mình “sở hữu” chính bản thân mình, chính mình quyết định cuộc đời mình sẽ đi về đâu. Bất kỳ khi nào cảm thấy khó khăn và có khuynh hướng tiêu cực, có thể tìm kiếm sự chia sẻ từ người khác. Đó có thể là một bạn thân, một người lớn bất kỳ mà mình tin tưởng hoặc có thể tìm đến các chuyên gia tâm lý.

Thạc sĩ, chuyên gia tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy, Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý và giáo dục TPHCM: “Một số bạn trẻ đang không sống cho chính họ. Họ sống vì những đòi hỏi của cha mẹ, vì những tiêu chuẩn nào đó, họ bám víu vào người khác. Một số bạn trẻ có vẻ mạnh mẽ nhưng không biết mình là ai, nói cách khác họ bộc lộ khá rõ sự ảo tưởng về sức mạnh của bản thân. Với những người không nhận biết rõ về bản thân, có thể rơi vào khuynh hướng tự ti nhưng thể hiện hành động rất quyết liệt. Có lẽ đây là một trong những mấu chốt của việc người trẻ quyết định tự hủy hoại và chấm dứt cuộc sống của mình. Đó có thể xem là một quyết định được đưa ra trong lúc cảm thấy mơ hồ và lạc lõng trong cuộc đời.