Chưa nên điều chỉnh giá các mặt hàng

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh tế chín tháng đầu năm, trong đó khẳng định bức tranh phục hồi kinh tế thế giới vẫn đậm màu tối và cảnh báo lạm phát cao trở lại tại VN.

Cụ thể, lạm phát tháng 9 đã tăng vọt lên 2,2% so với tháng 8 - đây là mức tăng cao nhất trong 16 tháng qua và Ủy ban GSTCQG lưu ý việc CPI tháng 9 tăng ở mức cao là ngoài quy luật những năm gần đây.

Đáng nói là CPI tăng chủ yếu do các nhóm hàng giáo dục, dược phẩm - y tế, xăng dầu và chi phí giao thông...

Tuy nhiên, sau khi loại trừ yếu tố thời vụ (điều chỉnh lại phí giáo dục và giá dược phẩm, y tế), CPI tháng 9 chỉ còn tăng 0,7% nên Ủy ban GSTCQG nhận định CPI tháng 9 tăng cao không phải do tác động của chính sách vĩ mô nhưng “mức biến động mạnh này rất dễ gây tâm lý tiêu cực, có thể tác động đến hành vi của người tiêu dùng cũng như giới kinh doanh”.

Ủy ban GSTCQG nêu bốn kiến nghị, trong đó kiến nghị đầu tiên cho rằng việc điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ cơ bản theo giá thị trường cần được tính toán cả về thời điểm và mức điều chỉnh. Đặc biệt, trước mắt tạm thời chưa điều chỉnh thêm giá trong tháng 10 để củng cố tâm lý thị trường.

Việc một số ngân hàng tiếp tục nâng vượt trần lãi suất huy động, ủy ban cho rằng đã cho thấy có ngân hàng khó khăn trong thanh khoản.

Vì vậy, cần tập trung tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy thị trường tiền tệ liên ngân hàng để thị trường này đóng vai trò là nơi điều tiết, giải quyết thanh khoản của các ngân hàng khó khăn tạm thời. Lâu dài, cần thực hiện giải pháp mang tính cơ bản là giải quyết nợ xấu ngân hàng, cơ cấu lại tổ chức tín dụng để tạo nền tảng khắc phục cơ bản những bất cập hiện nay trên thị trường tiền tệ.

Đặc biệt, báo cáo của Ủy ban GSTCQG cho rằng cần nghiên cứu những tác động có thể phát sinh sau ngày 25-11-2012 khi các ngân hàng phải chấm dứt hoạt động cho vay, huy động vàng.

Ngân hàng Nhà nước được chỉ đích danh cần sớm công bố chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của người dân liên quan đến vàng bao gồm: quyền và điều kiện huy động vàng trong xã hội hoặc giữ hộ vàng cho dân; chuyển nhượng, mua bán; cơ chế xuất nhập khẩu vàng và cơ chế đảm bảo liên thông giá vàng trong nước và quốc tế...