Số đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tại Việt Nam tăng

Khi tham gia vào UPOV, số đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tại Việt Nam tăng mạnh từ 7-9 đơn/năm lên khoảng 200 đơn/năm.

Sáng ngày 6/3, tại TP.HCM, Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội Đổi mới sáng tạo Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản (JATAFF) tổ chức hội thảo "Nâng cao nhận thức về bảo hộ giống cây trồng và giới thiệu e-PVP Asia".

Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong gần 20 năm triển khai thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ, hệ thống bảo hộ giống cây trồng Việt Nam đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể, số đơn đăng ký bảo hộ tại Việt Nam tăng mạnh từ 7-9 đơn/năm ở giai đoạn trước thì hiện nay lên tới trên 200 đơn/năm khi Việt Nam tham gia UPOV.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Với tổng số hơn 2.200 giống cây trồng mới đã đăng ký đến nay, trong số đó hơn 1.000 giống mới đã được cấp bằng bảo hộ. Việt Nam đang dần trở thành trung tâm khảo nghiệm kỹ thuật của các nước ASEAN.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong 20 năm qua. Nếu giá trị xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt năm 2005 chỉ đạt gần 4 tỷ USD thì đến nay 2023 đạt trên 26 tỷ USD, trong đó có nhiều mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD trở lên như lúa gạo, rau quả, cà phê, điều,…

"Theo tôi, lĩnh vực bảo hộ giống cây trồng có những đóng góp nhất định, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư với khoảng 60% tổng số giống được bảo hộ. Điều đó thể hiện việc bảo hộ giống cây trồng mới là động lực trong việc thúc đẩy khối doanh nghiệp tư nhân tham gia nghiên cứu, đáp ứng được yêu cầu sản xuất và thị trường", ông Nguyễn Quốc Mạnh cho biết.

Tại hội thảo, bà Akiko Nagano - Đại diện bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản (MAF) - đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo hộ giống cây trồng trong những năm gần đây.  

"Việt Nam nhận được khoảng 200 đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng mỗi năm, đây là hoạt động ý nghĩa. Điều này cho thấy việc chọn tạo giống cây trồng ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ khi tham gia vào UPOV năm 2006 và dẫn đầu khu vực Asean", bà Akiko Nagano nói.

Ông Manabu Suzuki - Giám đốc kỹ thuật phụ trách khu vực châu Á -  Hiệp hội quốc tế về bảo hộ giống cây trồng (UPOV) - cho biết cách đây 20 năm, khu vực có nhiều đơn nhất là Liên minh châu Âu, sau đó mới đến châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, năm 2022, hơn một nửa số đơn đăng ký tới UPOV đến từ châu Á - Thái Bình Dương, chiếm 56%. Như vậy, khu vực này là một nơi có hệ thống cây trồng mới đang phát triển, hiệu quả.

Tại hội thảo, ông Manabu Suzuki đưa ra ví dụ, từ khi Việt nam tham gia UPOV vào năm 2006. Cho đến nay, Việt Nam đã có nhiều tác động tích cực như: năng suất hàng năm tăng, sản lượng tăng, có điều chỉnh về phân bón,...  Ngoài ra, thu nhập người nông dân Việt Nam tăng lên 24% từ năm 2006, mang tại tác động lớn cho nông dân. 

Bà Cầm Thị Hằng – Chuyên viên Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng, Cục Trồng trọt - cho biết năm 2023, Việt Nam có 2.352 đơn đăng ký, số bằng được cấp là 1.066. Trong đó, người Việt Nam nộp đơn nhiều hơn so với nước ngoài. Cụ thể, lúa, ngô vẫn là loại cây trồng có số đơn đăng ký bảo hộ nhiều.

Võ Liên