WIPO hỗ trợ Việt Nam đào tạo cán bộ nguồn về sở hữu trí tuệ

(SHTT) - Trong khuôn khổ Dự án Nâng cáo năng lực cho Trung tâm nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, tư vấn (NĐHT) của Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) do Tổ chức SHTT (WIPO) hỗ trợ, WIPO đã phối hợp với Cục SHTT tổ chức 2 học phần thuộc Chương trình đào tạo giảng viên nguồn về SHTT trong năm 2023.

Theo thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ, nhằm hỗ trợ thúc đẩy hoạt động đào tạo SHTT tại Việt Nam, trong khuôn khổ hợp tác giữa Cục SHTT và WIPO, hai bên đã ký kết Thỏa thuận hợp tác về việc hỗ trợ Trung tâm NĐHT nâng cao kỹ năng và kiến thức về SHTT cho các chuyên gia, doanh nghiệp và cán bộ của Việt Nam. Thông qua các hoạt động triển khai, Dự án được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam xây dựng nguồn nhân lực SHTT chất lượng cao cho đa dạng nhóm chủ thể (cán bộ Cục SHTT, trường đại học, viện nghiên cứu và các cơ quan khác).

Trong đó, triển khai Chương trình đào tạo giảng viên nguồn về SHTT là một hoạt động quan trọng và được ưu tiên thực hiện trong Dự án. Chương trình đào tạo gồm 4 học phần, kéo dài trong 2 năm 2023 và 2024, với sự tham gia của 46 học viên là các chuyên gia về SHTT được lựa chọn từ Cục SHTT, một số trường đại học, viện nghiên cứu có kinh nghiệm trong lĩnh vực SHTT. Mục tiêu của Chương trình đào tạo là nhằm hỗ trợ các chuyên gia, cán bộ nâng cao năng lực giảng dạy SHTT một cách toàn diện nhất, cả về kiến thức chuyên môn và kỹ năng sư phạm, qua đó, xây dựng đội ngũ giảng viên SHTT chất lượng và chuyên nghiệp, góp phần thúc đẩy hoạt động giảng dạy, đào tạo SHTT tại Việt Nam. Các học viên của Chương trình đào tạo sẽ là nguồn giảng viên tiềm năng, tham gia các hoạt động đào tạo, tuyên truyền của Cục SHTT trong tương lai.

Trong năm 2023, Cục SHTT đã phối hợp với WIPO tổ chức 2 học phần đầu tiên với chủ đề Phương pháp giảng dạy cơ bản về SHTT và Thương mại hoá & Quản trị tài sản trí tuệ dưới hình thức trực tuyến. Nội dung các học phần được các chuyên gia WIPO xây dựng dựa trên cơ sở thực tiễn và nhu cầu của hoạt động đào tạo SHTT tại Việt Nam. Với chủ đề Phương pháp giảng dạy cơ bản về SHTT, các học viên được tìm hiểu cách thiết kế một khóa tập huấn SHTT, xác định mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng dạy và phương pháp đánh giá khóa học; xây dựng giáo án; sử dụng các phương tiện hỗ trợ trực quan bổ trợ cho bài giảng. Học phần 2 với chủ đề Thương mại hoá & Quản trị tài sản trí tuệ tập trung vào các nội dung về tầm quan trọng của việc quản trị hiệu quả TSTT đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; phát triển các kỹ năng đánh giá, định giá và thương mại hóa TSTT; nhận diện các nguyên tắc xây dựng chiến lược SHTT;...

 

Mỗi buổi học được thiết kế với nhiều hoạt động thực hành để mang lại cho người tham gia cơ hội thảo luận kiến thức và chia sẻ về kinh nghiệm giảng dạy của mình. Kết thúc 2 học phần đầu tiên, các học viên đều có những đánh giá tích cực đối với khóa học và cho rằng khóa đào tạo đã thay đổi cách tiếp cận của họ một cách hiệu quả đối với việc giảng dạy và trang bị những kỹ năng mới, cần thiết trong hoạt động đào tạo nói chung và đào tạo trong lĩnh vực SHTT nói riêng.

 

Theo kế hoạch, 2 học phần tiếp theo với chủ đề dự kiến là Quyền SHTT trong môi trường số và Phương pháp giảng dạy nâng cao sẽ tiếp tục được triển khai trong năm 2024. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, phản hồi của 2 học phần trước, WIPO và Cục SHTT sẽ tiếp tục thảo luận về khả năng thay đổi hình thức tổ chức từ trực tuyến sang trực tiếp, cách thức triển khai và quản lý hiệu quả hơn các hoạt động của Chương trình đào tạo,... nhằm tăng cường hơn nữa sự kết nối và trao đổi giữa các học viên và giảng viên.

Sau khi hoàn tất 4 học phần của Chương trình đào tạo, Cục SHTT sẽ xem xét đề xuất WIPO hoàn thiện nội dung các học phần này để triển khai với phạm vi đối tượng đào tạo rộng hơn góp phần nâng cao hiệu quả của Dự án WIPO dành cho Việt Nam.

TH