Sốc: Hơn 500 người ở Nhật Bản bị "vi khuẩn ăn thịt người" tấn công

(SHTT ) - Bệnh thường lây truyền khi tiếp xúc với vết thương bị viêm nhiễm và bắt đầu với triệu chứng sưng đau ở bàn tay, bàn chân, sốt... Hiện tượng sưng tấy sẽ lan rộng ra khắp cơ thể chỉ trong vài giờ, sau đó vi khuẩn sẽ “ăn” các cơ quan nội tạng và thịt, gây hoại tử.

Hơn 500 người ở Nhật Bản đã bị nhiễm STSS hay còn được gọi là “vi khuẩn ăn thịt người” trong năm nay.

Cụ thể, tờ Asahi Shimbun dẫn số liệu từ Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản, cho biết khoảng 525 người ở nước này đã bị nhiễm hội chứng sốc nhiễm khuẩn cầu chuỗi (STSS) trong năm 2017. 

Trong số những trường hợp nhiễm STSS có 66 người ở Tokyo, 40 người ở Kanagawa, 32 người ở Aichi, 31 người ở Fukuoka và 28 người ở Hyogo. Hầu hết, các bệnh nhân đều trên 30 tuổi. 

Bệnh STSS thu hút sự chú ý gần đây sau khi cựu người mẫu và vận động viên điền kinh Mỹ Lauren Wasser chia sẻ câu chuyện cô bị nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người” do sử dụng băng vệ sinh quá lâu. Hậu quả là cô đã bị cắt bỏ chân phải.

Khuẩn dạng cầu chuổi Nhóm A có thể gây ra các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm. 

Hội chứng sốc nhiễm khuẩn cầu chuỗi (STSS) là do một loại vi khuẩn tên streptococcus pyogenes, hay còn gọi là liên cầu nhóm A - nguyên nhân gây ra bệnh viêm họng liên cầu khuẩn ở trẻ em. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, vi khuẩn này có thể phát triển thành căn bệnh nghiêm trọng khác và có thể gây tử vong.

Bệnh thường lây truyền khi tiếp xúc với vết thương bị viêm nhiễm và bắt đầu với triệu chứng sưng đau ở bàn tay, bàn chân, sốt và một số dấu hiệu khác. Hiện tượng sưng tấy sẽ lan rộng ra khắp cơ thể chỉ trong vài giờ, sau đó vi khuẩn sẽ “ăn” các cơ quan nội tạng và thịt, gây hoại tử. Theo thống kê, khoảng 30% người mắc bệnh sẽ tử vong ngay sau khi bị hoại tử vài giờ.

Theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ, tỉ lệ tử vong của bệnh nhân nhiễm STSS rất cao, lên tới hơn 50%. Hiện nay, các loại thuốc kháng sinh thuộc nhóm Penicillin đã được chứng minh có thể điều trị bệnh. Tuy nhiên, cần phải điều trị ở giai đoạn sớm, khi vi khuẩn chưa lan rộng ra khắp cơ thể thì mới có hiệu quả.

PV (t/h)