Hà Nội: Ngăn chặn kịp thời gần 20.000 sản phẩm mỹ phẩm lậu

(SHTT) - Vào chiều ngày 2/1/2024, lực lượng liên ngành thành phố Hà Nội thông qua công tác nghiệp vụ đã phát hiện 1 hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Thanh Trì có hành vi tàng trữ gần 20.000 sản phẩm mỹ phẩm các loại có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu.

Cụ thể, triển khai Kế hoạch số 21/KH-QLTTHN ngày 15/11/2023 của Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, Kế hoạch số 06/KH-Đ7 ngày 17/11/2023 của Đội Quản lý thị trường số 7 kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm các tháng cuối năm 2023 và dịp Tết dương lịch, trước, trong Tết nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. 

Theo đó, vào hồi 13h ngày 02/01/2024, Đội QLTT số 7 phối hợp Đội 6, Phòng Cảnh sát Kinh tế – Công an thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh Nguyễn Hữu Cương 89, địa chỉ: Số 40, ngõ 300b đường Nguyễn Xiển, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội, do ông N. H. C làm chủ.

 

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có 19.497 sản phẩm mỹ phẩm các loại (kem dưỡng da, mặt nạ thải độc, dầu gội, dầu xả….) do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp, trị giá hàng hóa vi phạm: 380.040.000 đồng.

Cơ quan chức năng đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật.

Được biết, trước đó, vào ngày 26/12/2023, Đội QLTT số 25, Cục QLTT TP. Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Chương Mỹ đã bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trên địa bàn thôn Phượng Nghĩa, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội do N.V.T, sinh năm 1990, thường trú tại tỉnh Phú Thọ làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng ghi nhận trên diện tích 1.400m2, trước đây là trang trại nuôi gà đã được chuyển đổi để trở thành cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng với nhiều nhãn nổi tiếng, được ưa chuộng trên thị trường.

Kiểm tra tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện một lượng lớn sản phẩm là mỹ phẩm dạng kem dưỡng, serum, mặt nạ dưỡng da, và thực phẩm chức năng phục vụ nhu cầu làm đẹp, được dán nhãn, tem là thương hiệu nước ngoài. Trong số đó có 840 lọ Blackmores Evening Primrose Oil, xuất xứ Australia, 1.300 mặt nạ Yujin, xuất xứ Korea, 16.362 chai dung dịch vệ sinh femfresh có dấu hiệu bị làm giả.

 

Theo đó, có rất nhiều vỏ hộp Blackmores Evening Primrose Oil được phát hiện tại hiện trường kiểm tra. Có mặt tại hiện trường kiểm tra, đại diện nhãn hiệu Blackmores cũng có chung nhận định các sản phẩm mang nhãn hiệu Blackmores Evening Primrose Oil là hàng giả.

Cũng tại địa điểm này, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang sang chiết, đóng sản phẩm vào các hộp, chai, lọ bên ngoài thể hiện các nhãn hiệu như: Ronas, Ultra-V, Vitamin E, Gamma, Royal retinol…có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc, xuất xứ với khối lượng lên tới 40 tấn hàng hoá. Trong đó, một số sản phẩm cụ thể như: 6.288 hộp thành phẩm dán nhãn Vitamin E Cream trên nhãn thể hiện Made in Australia; 828 lọ Gamma Linolenicacid Evening Primrose Oil, thể hiện xuất xứ Canada; 450 hộp UltraV Premium Peeling, Made in Korea; 12.920 lọ thành phẩm Royal Retinol; 1.008 hộp thành phẩm J-Cain, trên nhãn thể hiện Made in Korea....

 

Lực lượng chức năng đã phải mất 20 giờ đồng hồ, sử dụng 26 xe tải mới có thể đóng gói, di chuyển hàng hóa có dấu hiệu vi phạm. Theo ước tính, cả sản phẩm và máy móc, thiết bị phục vụ việc sản xuất, đóng gói hàng hóa tại cơ sở này lên tới 50 tấn.

Khánh An