Thanh Hóa ghi nhận chuyển biến tích cực trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại

(SHTT) - Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự chỉ đạo của các cấp, bộ, ban ngành và sự tham gia của nhân dân, trong năm Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa đã ghi nhận những bước chuyển biến tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

 Đoàn công tác của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia do đồng chí Trịnh Mạnh Cường, Phó Chánh Văn phòng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại Cục Quản lý thị trường - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa về kết quả thực hiện các chuyên đề, kế hoạch, văn bản chỉ đạo về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Trước buổi làm việc, Đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế nắm tình hình địa bàn Khu kinh tế Nghi Sơn và làm việc tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Khu kinh tế Nghi Sơn nằm ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa nhằm mục đích phát huy lợi thế địa lý trên Quốc lộ 1, đường sắt Bắc-Nam, và có hệ thống cảng Nghi Sơn để tạo ra một động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Thanh Hóa, cho khu vực phát triển Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An nói riêng và cho các tỉnh phía Bắc Việt Nam nói chung; là khu kinh tế trọng điểm được ưu tiên phát triển ngành công nghiệp nặng và công nghiệp hoá dầu. Hàng hoá xuất nhập khẩu trên địa bàn cảng Nghi Sơn trong năm 2023 không nhiều, hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là: Dầu thô, phế liệu, than đá của nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2; hàng hóa xuất khẩu: dăm gỗ, đá trắng, xi măng, clinker, sản phẩm thép, hạt nhựa, chế phẩm lọc hoá dầu…

 Đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế tại Cảng Nghi Sơn

Đoàn công tác của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng đã có buổi làm việc với Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và một số Thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh.

Đ/c Trịnh Mạnh Cường, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia phát biểu tại Hội nghị 

Theo Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa, trong năm 2023, cùng với cả nước do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn gặp khó khăn do sức mua giảm, hàng hóa tiêu thụ tập trung vào các nhóm hàng như: Lương thực, thực phẩm, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, vật tư nông nghiệp,... giá cả hàng hóa tương đối ổn định, nguồn cung đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; ở một số mặt hàng giá cả tăng, giảm không đáng kể như: xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng; hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến phát triển mạnh; hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh tuy không nổi cộm nhưng tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Tình trạng vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại vẫn xảy ra với quy mô nhỏ lẻ trên cả tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, tuyến biển, cảng biển và thị trường nội địa.

 Đ/c Lữ Minh Thư -Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh phát biểu tại Hội nghị

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hoá đã xây dựng, triển khai kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, cùng với việc phân tích, dự đoán, nắm bắt đúng tình hình, diễn biến thị trường, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động triển khai kịp thời nhiệm vụ được giao, đồng loạt ra quân, tăng cường công tác phối hợp từ cấp tỉnh đến cấp huyện, thị xã, thành phố; cùng với sự vào cuộc của hệ thống chính trị và sự tham gia của nhân dân đã tạo được bước chuyển biến trong việc thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

 Đ/c Lê Thế Anh - Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Thanh Hoá, Thành viên BCĐ 389 tỉnh báo cáo công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh

Kết quả 11 tháng năm 2023 các đơn vị thuộc Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã phát hiện, xử lý 4.567 vụ vi phạm với số tiền thu hơn 150 tỷ đồng (trong đó số tiền truy thu thuế là hơn 107 tỷ đồng và xử phạt hành chính gần 42,5 tỷ đồng). Trong số các vụ việc vi phạm có 1.276 vụ vi phạm trong lĩnh vực buôn lậu, hàng cấm; 3.266 vụ vi phạm gian lận thương mại; 189 vụ vi phạm trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh hàng giả; 395 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá và hành vi găm hàng; 1.284 vụ vi phạm trong lĩnh vực thuế; có tới 895 vụ việc đã chuyển khởi tố hình sự.

 Đại diện Công an tỉnh Thanh Hoá phát biểu tại Hội nghị

Các Thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cũng nêu lên một số phương thức, thủ đoạn mới được nhận diện trong công tác buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả như: Tình trạng hàng hoá thẩm lậu gia tăng, các thủ đoạn trà trộn hàng hoá tinh vi qua nhiều công đoạn và phương tiện vận chuyển; hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử, các nền tảng ứng dụng di động của các đối tượng không những trong nước mà đã xuất hiện trong livestream bán hàng xuyên quốc gia từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan cho người Việt Nam xem và mua hàng,.. trong đó phát sinh hoạt động kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng kém chất lượng, hàng giả mạo các nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ (Adidas, Nike, Gucci, Chanel…); gây thất thoát ngân sách Nhà nước trong công tác quản lý thuế... đó là động cơ, nguyên nhân dẫn đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đồng thời cũng là thách thức cho các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng thực thi công tác này.

Đại diện Bộ chỉ huỷ Bộ đội Biên phòng tỉnh Phát biểu tại Hội nghị 

Thay mặt Đoàn Công tác, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Trịnh Mạnh Cường đánh giá cao công tác chỉ đạo nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung cũng như công tác thực hiện, triển khai các chuyên đề, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hoá.

 Đ/c Đỗ Văn Phung - đại điện Văn phòng thường trực BCĐ 389 quốc gia phát biểu tại Hội nghị

Theo đại diện Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Thanh Hóa là địa bàn trọng điểm trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận và thương mại, do đó tại địa phương trong tỉnh cần nâng cao hơn nữa công tác dự báo, làm tốt công tác thu thập thông tin để có biện pháp kiểm tra, kiểm soát đối với các hành vi vi phạm. Cùng với đó, các lực lượng trong Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh cần phối hợp, tập trung lực lượng, phương tiện và biện pháp đánh trúng, đúng đối tượng, nhất là các ổ nhóm, đối tượng cầm đầu, tụ điểm phức tạp nhằm răn đe và phòng ngừa chung; nắm bắt nguồn tin và các phương thức, thủ đoạn mới, đặc biệt là vấn đề buôn lậu, vận chuyển hàng hoá vi phạm qua cửa khẩu, cảng biển.

Đồng thời tại hội nghị, Đại diện Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng lưu ý ngành chức năng tỉnh Thanh Hoá cần phát huy tốt nguồn tin cộng tác viên trong nhân dân, từ đó đa dạng nguồn tin, giúp xử lý nhiệm vụ kiểm soát, điều tra kịp thời và hiệu quả hơn. 

Lường Linh