'Tuyên chiến' với buôn lậu ở biên giới và vùng cao

(SHTT) - Vào dịp cuối năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và ở trên vùng cao càng diễn biến phức tạp. Các đối tượng buôn lậu dùng nhiều thủ đoạn tinh vi đưa hàng hóa qua biên giới, sau đó vận chuyển về nội địa tiêu thụ.

Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã ban hành Kế hoạch số 09/KH-TCQLTT về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Trong đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại; chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2024. Đặc biệt, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thông qua công tác thông tin tuyên truyền.

Lực lượng Quản lý thị trường các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với hàng hóa là những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu bia thuốc lá, xì gà, nước giải khát, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật...

 

Đối với các tỉnh vùng cao, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lào Cai, từ đầu năm đến nay, các lực lượng đã kiểm tra, phát hiện, bắt giữ 1.335 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Theo đánh giá của cơ quan quản lý thị trường, vào dịp cuối năm, các đối tượng sẽ lợi dụng hoạt động xuất - nhập khẩu, lưu thông hàng hóa qua các giao dịch thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại đối với những mặt hàng có thuế suất cao, giá trị lớn và hàng xuất - nhập khẩu có điều kiện, gian lận về xuất xứ.

Bên cạnh đó, hành vi găm hàng, tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn...

Trong khi đó, ở điểm nóng biên giới như Móng Cái, chỉ trong có hai ngày gần nhau, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ một lượng hàng hoá lớn, trị giá lên tới hàng chục tỷ đồng, được tập kết và chuẩn bị vận chuyển đi tiêu thụ, trên địa bàn TP Móng Cái. Thực tế này cho thấy, hoạt động buôn lậu qua biên giới thuộc địa bàn Móng Cái còn nhiều phức tạp và có chiều hướng gia tăng vào những tháng cuối năm, dịp giáp Tết Nguyên đán…

Để phòng chống, ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là vào thời điểm những tháng cuối năm này, các cơ quan chức năng của tỉnh và địa phương, nhất là ở các địa bàn biên giới phải ra quân quyết liệt, thường xuyên hơn. Trong đó tập trung điều tra, phát hiện, đánh trúng, đánh đúng vào các ổ nhóm, đường dây, khu vực tập kết, trung chuyển hàng lậu. Đặc biệt cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ giữa các lực lượng chức năng để tạo ra sức mạnh tổng hợp tuyên chiến với hàng lậu. Bên cạnh đó cũng cần phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục tới người dân không được tiếp tay cho buôn lậu; các đối tượng, đơn vị nào cố tình vi phạm phải được xử lý nghiêm minh như xử lý với đối tượng trực tiếp buôn lậu. Cùng với đó cũng cần phải có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời, thoả đáng cho những người cung cấp thông tin, tố giác hành vi buôn lậu cho cơ quan chức năng…

Một khi đã xây dựng được “dàn đồng ca” chống buôn lậu với sự tập hợp trí tuệ, trách nhiệm, công sức của các lực lượng chức năng, cộng với sức mạnh từ tai, mắt của nhân dân, thì chắc chắn tình trạng buôn lậu trên địa bàn sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất hàng hoá trong nước phát triển…

Hà Châu