Bộ KH&CN đề xuất quy định về việc kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất

(SHTT) - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hiện đang lấy ý kiên về dự thảo Thông tư quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm trong sản xuất thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ.

Theo đó, nội dung dự thảo Thông tư nêu rõ, đối tượng kiểm tra là sản phẩm trong sản xuất thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tại điểm p Khoản 2 Điều 32 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 14 Điều 1 Nghị định 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Theo dự thảo, hình thức kiểm tra bao gồm: Kiểm tra theo kế hoạch; Kiểm tra đột xuất; Kiểm tra theo hình thức báo cáo (tùy tình hình thực tế hoặc theo yêu cầu quản lý).

 

Nội dung kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất

Tại Điều 7 thuộc Dự thảo, những nội dung kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất được để cập, bao gồm: 

Kiểm tra thông tin sản phẩm: Kiểm tra tính chính xác của việc thể hiện nội dung, thông tin quảng cáo trên nhãn (nếu có) của sản phẩm; Kiểm tra các nội dung thể hiện mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc, các nội dung thể hiện trên nhãn sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật và đối chiếu với tài liệu kèm theo; Kiểm tra việc thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, việc thể hiện dấu hợp quy (đối với sản phẩm, hàng hóa phải chứng nhận và công bố hợp quy), dấu hợp chuẩn (đối với sản phẩm, hàng hóa được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn).

Kiểm tra các điều kiện sản xuất ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm: Kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu quy định trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng liên quan đến điều kiện của quá trình sản xuất và các biện pháp quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm trong sản xuất, bao gồm: Kiểm tra hồ sơ chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy (đối với các sản phẩm, hàng hóa phải chứng nhận và công bố hợp quy); hồ sơ công bố hợp chuẩn (đối với các sản phẩm, hàng hóa công bố hợp chuẩn); hồ sơ chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn (đối với sản phẩm áp dụng hệ thống Quản lý chất lượng); Trường hợp trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng có quy định liên quan đến điều kiện của quá trình sản xuất thì kiểm tra việc thực hiện các quy định này trong quá trình sản xuất; Kiểm tra việc thực hiện các biện pháp khác của quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm trong sản xuất do cơ quan có thẩm quyền quy định; 

Kiểm tra việc thực hiện và kết quả đánh giá sự phù hợp của quá trình sản xuất.

Kiểm tra hoạt động kiểm soát quá trình sản xuất của cơ sở sản xuất liên quan đến việc tạo thành sản phẩm và duy trì sự đảm bảo chất lượng bao gồm: Kiểm tra hồ sơ kỹ thuật của sản phẩm (tài liệu thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm); Kiểm tra toàn bộ quá trình sản xuất (từ đầu vào, qua các giai đoạn trung gian cho đến khi hình thành sản phẩm bao gồm cả quá trình bao gói, xếp dỡ, lưu kho và vận chuyển sản phẩm); Kiểm tra máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ và trang thiết bị đo lường, kiểm tra, thử nghiệm; Kiểm tra chất lượng nguyên vật liệu (theo tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, việc sử dụng nguyên liệu bị cấm, nguyên vật liệu quá hạn sử dụng); Các nội dung kỹ thuật cần thiết khác.

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan kiểm tra có thể sử dụng chuyên gia thực hiện việc đánh giá theo các yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Chuyên gia đánh giá phải độc lập, khách quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả đánh giá của mình.

Kiểm tra các phương tiện đo, biện pháp kiểm soát về đo lường và chu kỳ kiểm định phương tiện đo sử dụng trong quá trình sản xuất.

Thử nghiệm mẫu để kiểm tra sự phù hợp của sản phẩm với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Trong quá trình kiểm tra tại cơ sở sản xuất, khi phát hiện sản phẩm có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng thì lấy mẫu sản phẩm để thử nghiệm. Việc lấy mẫu phục vụ kiểm tra chất lượng được thực hiện như sau: 

Mẫu được lấy theo phương pháp lấy mẫu quy định tại tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Trường hợp không có quy định về phương pháp lấy mẫu thì lấy mẫu theo nguyên tắc ngẫu nhiên, đảm bảo mẫu là đại diện cho lô sản phẩm; Mỗi mẫu được chia làm hai đơn vị mẫu, một đơn vị đưa đi thử nghiệm và một đơn vị lưu tại cơ sở được kiểm tra.

Căn cứ phương pháp thử đối với sản phẩm, đoàn kiểm tra lấy mẫu đảm bảo số lượng sản phẩm để thử nghiệm các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và yêu cầu kiểm tra;

Mẫu sản phẩm sau khi lấy phải được niêm phong (theo Mẫu 4.TNPM - phần Phụ lục kèm theo Thông tư), lập biên bản (theo Mẫu 3.BBLM - phần Phụ lục kèm theo Thông tư) có chữ ký của người lấy mẫu, đại diện cơ sở được lấy mẫu. Trường hợp đại diện cơ sở được lấy mẫu không ký vào biên bản lấy mẫu và niêm phong mẫu thì đoàn kiểm tra ghi rõ trong biên bản: “đại diện cơ sở không ký vào biên bản lấy mẫu, niêm phong mẫu”, biên bản lấy mẫu, niêm phong mẫu có chữ ký của người lấy mẫu, chữ ký của Trưởng đoàn kiểm tra vẫn có giá trị pháp lý

Thái An