Bình Dương đặt mục tiêu thành thành phố thông minh, đô thị loại 1 năm 2030

Mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương cơ bản trở thành một thành phố thông minh và cơ bản đạt các tiêu chí trở thành đô thị loại I, trực thuộc Trung ương.

Trong cuộc họp dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 154 của Chính phủ và Chương trình số 113 Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bình Dương đã đưa ra kế hoạch phát triển địa phương.

Cụ thể, dự thảo Kế hoạch nhằm định hướng phát triển Bình Dương phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng Đông Nam bộ, các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.

 Bình Dương đặt mục tiêu thành thành phố thông minh, đô thị loại 1 năm 2030.

Mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương cơ bản trở thành một thành phố thông minh và cơ bản đạt các tiêu chí trở thành đô thị loại I, trực thuộc Trung ương, là một trong các đô thị hiện đại, đáng sống, văn minh, nghĩa tình.

Trong đó, đề ra các chỉ tiêu cụ thể như: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt từ 9% - 10%; cơ cấu kinh tế các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, nông - lâm - thuỷ sản, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tương ứng đạt 62% - 30% - 2% - 6%; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 393 triệu đồng - 419 triệu đồng, tương đương 15.000 - 16.000 USD; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30 - 35%; tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 90%.

100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 40 - 45%; tỷ lệ thất nghiệp <3%; đạt 32 giường bệnh và 11 bác sĩ trên 1 vạn dân; tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt trên 95%.

Diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 33,5m²/người; tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị đạt 100%, nông thôn 95%; 100% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo quy định; diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đối với các đô thị đạt 8m2 - 10m2/người.

Dự thảo Kế hoạch đề ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp: Phát triển nhanh, bền vững, tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; phát triển công nghiệp công nghệ cao và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị; phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế; cơ cấu lại và nâng cao giá trị ngành nông nghiệp; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

 Nhiều khu công nghiệp sẽ được mở rộng, nâng cấp.

Tiếp đó là phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Tại hội nghị, các sở, ban, ngành, địa phương đã có những đóng góp thiết thực, đi sâu vào từng chỉ tiêu, nhóm nhiệm vụ và giải pháp; nêu và phân tích những nhiệm vụ chưa phù hợp với chức năng của từng sở ngành; đồng thời đề ra các giải pháp để đạt các nhiệm vụ đề ra.

Tại hội nghị, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp cho dự thảo. Ông yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu và chọn lọc các ý kiến đóng góp, tổng hợp và hoàn chỉnh báo cáo trình UBND tỉnh xem xét, thông qua.

Ông nhấn mạnh, việc xây dựng các nhóm nhiệm vụ và giải pháp cần cụ thể, gắn với quy hoạch, định hướng chung của tỉnh và quy hoạch quốc gia, nhằm tạo ra bước đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Quang Anh