Phòng ngừa hiện tượng phản ứng tâm lý dây chuyền khi tiêm vaccine

Ngày 27-11, trước việc ghi nhận một số trường hợp có hiện tượng đau đầu, chóng mặt, mệt, xỉu đồng loạt xảy ra với học sinh khi tham gia tiêm vaccine sởi- rubella tại điểm tiêm ở trường học, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân là hiện tượng phản ứng tâm lý dây chuyền do quá lo lắng của trẻ khi tiêm chủng. Hiện tượng này đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo.

Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo các biện pháp phòng tránh hiện tượng phản ứng tâm lý dây chuyền khi thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi- rubella. Trong đó, tại các điểm tiêm chủng khi tổ chức tiêm cần tiêm phòng cho những trẻ ít sợ tiêm trước. Bố trí phòng chờ riêng biệt, không để trẻ ngồi chờ quá lâu và thấy các bạn khác tiêm gây tâm lý căng thẳng. Bố trí các thầy cô giáo, cán bộ y tế hoặc cán bộ đoàn thanh niên động viên, giải thích để trẻ yên tâm, bớt lo lắng trước khi tiêm. Cho trẻ ăn uống đầy đủ trước khi tiêm chủng, các cơ sở tiêm chủng có đủ nước đường cho trẻ uống. Thực hiện công tác tư vấn, theo dõi sau tiêm chủng đầy đủ. Khi trẻ có biểu hiện hiện tượng trên, cần cách ly trẻ riêng biệt ngay và chăm sóc y tế tránh phản ứng dây chuyền.

Theo Bộ Y tế, báo cáo nhanh của các địa phương triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi- rubella, tính đến nay, tất cả 63 tỉnh thành trong cả nước đã hoàn thành đợt 1 của chiến dịch, với hơn 9,5 triệu trẻ được tiêm an toàn. Hầu hết các phản ứng sau tiêm ghi nhận được là những trường hợp phản ứng nhẹ, thông thường như: sốt nhẹ, đau tại chỗ tiêm, các phản ứng này không phải xử trí gì và tự khỏi sau 2-3 ngày. Các địa phương cũng đã tổ chức tốt các điểm tiêm chủng tại trường học cho học sinh và tại trạm y tế. Các điểm tiêm đều thực hiện nghiêm túc công tác khám sàng lọc trước tiêm chủng.

Trong đợt này, số ca hoãn tiêm và chống chỉ định chiếm 2% số đối tượng trẻ được tiêm vaccine sởi-rubella. Trong tháng 11 và tháng 12-2014, đợt 2 chiến dịch tiếp tục được tổ chức tại 63 tỉnh thành. Đợt 3 chiến dịch sẽ được tổ chức trong tháng 1 và tháng 2-2015. Đối tượng của đợt 2 và đợt 3 đa phần là các em học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Đây là nhóm trẻ dễ bị ảnh hưởng tâm lý và có thể xảy ra tình trạng phản ứng tập thể do lo sợ. Vì vậy, chiến dịch cần có sự chỉ đạo thống nhất của các tuyến, sự phối hợp chặt sinh, các bậc phụ huynh trước khi triển khai tiêm chủng chiến dịch.