Tin mới nhất bão số 12: Quốc lộ 24, 27C, đường Trường Sơn Đông bị sạt lở nghiêm trọng

(SHTT) - Sau trận mưa lớn kéo dài suốt nhiều ngày, đến đêm 5/11, rạng sáng 6/11, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch đã bị sạt lở nghiêm trọng, gây tắc nghẽn như quốc lộ 27C, đường nối liền 2 thành phố Đà Lạt - Nha Trang, quốc lộ 24 và đường Trường Sơn Đông.

Cơn bão số 12 vẫn đang tiếp tục hoành hành và gây ra nhiều thiệt hại lớn cho người dân ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh hòa, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Gia Lai... Số người mất tích, số nhà bị sập đổ, tốc mái, hư hỏng vẫn đang ngày càng tăng lên khiến cuộc sống của người dân ở đây gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, trong đêm 5/11, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch đã bị chia cắt do mưa bão.

Cụ thể, trên tuyến đường Trường Sơn Đông đoạn qua huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum có 25 điểm sạt lở, trong đó có 5 điểm sạt lở nặng gây tắc đường chia cắt hoàn toàn xã Ngọc Tem với trung tâm huyện. 

Điểm sạt lở nặng nhất là tại km 202+ 150. Trên đoạn đường này cả ta luy âm và ta luy dương đều bị sạt lở với một nửa mặt đường mới được sửa chữa khắc phục năm ngoái đã bị cuốn trôi.

 Tin mới nhất bão số 12: Quốc lộ 24, 27C, đường Trường Sơn Đông bị sạt lở nghiêm trọng

Trong khi đó, trên Quốc lộ 24 đoạn qua huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum cũng xuất hiện 4 điểm sạt lở từ Km 74+00 đến Km 104+030 khiến các phương tiện không thể lưu thông qua lại. Trong đêm nhiều người đã phải vào các trường học và nhà dân bên đường ngủ nhờ chờ lực lượng chức năng khắc phục các điểm sạt lở để thông đường.

Ảnh hưởng của bão số 12 cũng khiến tuyến đường Quốc lộ 27C, đường nối giữa 2 thành phố Đà Lạt và Nha Trang bị sạt lở vẫn bị tắc nghẽn nghiêm trọng, dự kiến phải mất 2 - 3 ngày mới có thể thông tuyến. Cục quản lý đường bộ 3 (thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đang phối hợp với 2 tỉnh Lâm Đồng và Khánh hòa tích cực triển khai công tác khắc phục suốt ngày đêm.

Theo Cục quản lý đường bộ 3, mặc dù các đơn vị chức năng đã huy động nhiều máy móc, thiết bị tập trung khắc phục, khơi thông các điểm sạt lở, lấp đường cả 2 đầu phía Lâm Đồng lẫn Khánh Hòa, nhưng do có quá nhiều điểm và khối lượng đất đá, cây cối vùi lấp rất lớn nên công việc gặp rất nhiều khó khăn.

Trả lời báo VOV, ông Bùi Tô Hoài, Phó cục Trưởng Cục quản lý đường bộ 3 cho biết, khu vực bị sạt lở và vùi lấp nặng nhất là trên đèo Hòn Giao, do khu vực này có mưa lớn nên việc đưa máy móc, thiết bị tiếp cận rất khó khăn, khả năng ít nhất nhất từ 2 -3 ngày tới công tác khắc phục mới cơ bản được hoàn tất.

PV(t/h)