Chuẩn bị chuyển giao khu công nghệ cao Hòa Lạc về TP. Hà Nội

(SHTT) - Ngày 5/4/2023, trong khuôn khổ phiên Họp báo thường kỳ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã trình Chính phủ về Đề án chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về TP. Hà Nội sau khi nhận ý kiến góp ý của các bộ, ngành.

Theo thông tin được Bộ KH&CN thông báo tại Họp báo thường kỳ quý I/2023 diễn ra chiều 5/4 tại Hà Nội do Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chủ trì, hiện, Bộ đã trình Chính phủ về Đề án chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về TP. Hà Nội.

Theo đó, căn cứ chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chương trình/kế hoạch công tác của bộ, trong quý II/2023, Bộ KH&CN tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về KH&CN. Trong đó, có Đề án chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về TP. Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ năm 1998, hiện đang thuộc quyền quản lý của Bộ KH&CN. Khu có tổng diện tích quy hoạch gần 1.600 ha, được xây dựng theo mô hình thành phố khoa học với đầy đủ các tiện ích và những khu chức năng.

 Quang cảnh buổi hợp báo thường kỳ của Bộ KH&CN

Các dự án đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã giúp hình thành hệ sinh thái ban đầu cho các lĩnh vực công nghệ, như Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và phần mềm, công nghệ sinh học phục vụ y tế, công nghệ tự động hóa. Nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của các tập đoàn kinh tế lớn cũng như của các viện nghiên cứu, trường đại học đã đi vào hoạt động.

Việc phát triển khu Công nghệ cao Hoà Lạc gặp nhiều khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, hình thành khu đô thị, phát triển giao thông... 

Đến nay, tổng diện tích đất các nhà đầu tư lấp đầy khu công nghệ cao còn thấp. Vì vậy, theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, khi khu Công nghệ cao được chuyển giao về TP. Hà Nội, hy vọng vẫn giữ được vai trò, sứ mệnh ban đầu khi thành lập đó là khu công nghệ lõi, bám sát mục tiêu phát huy năng lực nội sinh về khoa học công nghệ của đất nước.

Đại diện Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Bộ KH&CN) cũng thông tin, hiện, khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút 104 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng gần 100.000 tỷ đồng, thu hút gần 30.000 nhân lực.

Về lộ trình chuyển giao, theo đại diện Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, đến thời điểm này, Bộ KH&CN đã trình Đề án lên Chính phủ sau khi nhận ý kiến góp ý của các bộ, ngành. Lộ trình chuyển giao như nào cho phù hợp đã được phân tích, đánh giá tác động, trong đó có những tác động liên quan đến cơ chế chính sách, tác động liên quan tới nguồn lực đầu tư, tổ chức bộ máy con người. Từ đó có đề xuất Chính phủ xem xét để quyết định trên cơ sở sự sẵn sàng của Hà Nội để quyết định thời điểm chuyển giao phù hợp nhất.

 Họp báo thường kỳ quý I/2023 diễn ra chiều 5/4 tại Hà Nội do Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chủ trì

Được biết, hiện nay, Bộ KH&CN đang hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về khu công nghệ cao để tháo gỡ một số vướng mắc, tạo hành lăng pháp lý thuận lợi hơn, thúc đẩy việc phát triển khu công nghệ cao. Hoạt động được thực hiện trước thực trạng các chính sách thúc đẩy phát triển các khu công nghệ cao như: Nghị định số 99/2003/NĐ-CP ban hành Quy chế Khu công nghệ cao; Quyết định số 53/2004/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích đầu tư tại khu công nghệ cao... và Luật Công nghệ cao năm 2008 đã xuất hiện nhiều điểm không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của các khu công nghệ cao trong cả nước.

Vì vậy, Nghị định quy định về khu công nghệ cao, bao gồm khu công nghệ cao và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm tạo khung pháp lý cho hoạt động của các khu công nghệ cao là cần thiết và cấp thiết, bảo đảm phù hợp với quy định của các luật mới được ban hành có liên quan, khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển các khu công nghệ cao trong thời gian qua, tạo điều kiện thuận lợi để các khu công nghệ cao phát triển hiệu quả và bền vững trong thời gian tới.

Khánh An