Miền Trung thiếu ‘nhạc trưởng’ đổi mới sáng tạo trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm

Các chuyên gia hàng đầu về kinh tế - tài chính đánh giá miền Trung đang thiếu “nhạc trưởng”, tư duy kinh tế còn địa phương, chưa có liên kết vùng chặt chẽ. Vì vậy, miền Trung cần sớm có Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại Đà Nẵng.

Với chủ đề “Huy động các nguồn lực phát triển nhanh, bền vững vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”, diễn đàn Kinh tế - Tài chính 2023 do Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp Liên đoàn Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) vừa tổ chức tại TP Đà Nẵng.

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với vai trò, vị trí rất quan trọng đã được ban hành nhiều chủ trương, chính sách  tạo động lực phát triển. Ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc VCCI Đà Nẵng - nhận định chính quyền, người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp có nhiều nỗ lực “thoát khó” vươn lên. Thế nhưng, bức tranh thực trạng cho thấy kinh tế khu vực này còn nhiều hạn chế, tốc độ phát triển chậm, quy mô kinh tế nhỏ, tính bền vững chưa cao đã bộc lộ rõ sau đại dịch Covid-19.

 Diễn đàn Kinh tế - Tài chính năm 2023 bàn đến nhiều giải pháp huy động nguồn lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm tổ chức tại TP Đà Nẵng.

“Doanh nghiệp có xu hướng nhỏ hoá khi số vốn, số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới hằng năm ngày càng giảm, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh tại khu vực chưa theo kịp nhu cầu phát triển cho dù khu vực này nhiều cảng biển, cảng hàng không và trung tâm giao thông đường bộ nhưng chi phí logistic cao”, ông Quang cho hay.

Cùng với đó, các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh còn chưa theo kịp đà phát triển, nhân lực cao cấp còn thiếu. Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Hội đồng Tư vấn Chính sách – Tài chính – Tiền tệ quốc gia - đánh giá nguyên nhân của những hạn chế phát triển vùng là do xuất phát điểm thấp, địa hình phức tạp, ảnh hưởng tới tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội vùng. Hệ thống thể chế chung còn những điểm chưa phù hợp thực tiễn. Liên kết vùng bị động chưa có quy hoạch thay thế quy hoạch tổng thể. Các cơ chế, chính sách chưa đủ sức mạnh và hiệu quả tạo đột phá cho vùng và các địa phương.

 Hàng trăm đại biểu, chuyên gia kinh tế - tài chính tham dự diễn đàn.

Tiến sĩ Lực nói: "Các lĩnh vực kinh tế, du lịch, y tế, logictics, khoa học công nghệ... các địa phương cần phải phối hợp với nhau để cùng triển khai, bổ trợ nhau, thu hút nguồn lực từ các địa phương khác".

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên – Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên nhân vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa phát triển là vì đang không có một nhạc trưởng, các địa phương vẫn còn tư duy quy hoạch theo các tỉnh. Ông Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh lãnh đạo của các tỉnh trong khu vực cần trở thành “người yêu miền Trung nhất”, phải có một góc nhìn năng động hơn nữa, tinh tế hơn nữa.

Tại diễn đàn Kinh tế - Tài chính 2023 này, các chuyên gia đưa ra nhiều giải pháp để phát triển vùng. Trong đó trước hết, cần có mối liên kết giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm đưa kinh tế toàn vùng đi lên ở nhiều khía cạnh.

 Bài tham luận về bức tranh toàn cảnh Kinh tế - tài chính năm 2023 của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thu hút sự quan tâm của các đại biểu.

Các chuyên gia đồng thời “hiến kế” giải pháp về huy động nguồn lực tài chính và giải pháp về phân bổ nguồn lực tài chính để phát triển vùng.

Đồng thời, rà soát, nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về tài chính có tính đến yếu tố đặc thù của vùng, giải quyết những nút thắt, giúp huy động tối đa nguồn lực. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi về thuế, phí theo hướng thu hẹp lĩnh vực ưu đãi nhưng tập trung và có mức ưu đãi tốt.

Tiến sĩ Trần Thanh Nga -  Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính – Bộ Tài chính - còn đề xuất cần tiếp tục nghiên cứu ban hành định mức phân bổ ngân sách, đảm bảo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh, thành phố thuộc vùng.

 Diễn đàn Kinh tế - Tài chính năm 2023 thu hút sự quan tâm của hơn 100 doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Diễn đàn được các diễn giả, chuyên gia và đại biểu tham dự thảo luận nhiều nội dung thiết thực, sôi nổi như: Bức tranh kinh tế vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; những vấn đề đặt ra cho việc thu hút nguồn lực đầu tư, tạo động lực tăng trưởng của vùng; các giải pháp huy động nguồn lực phát triển vùng; hoàn thiện thể chế để vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cất cánh…

Các nội dung được thảo luận, phân tích tại diễn đàn đều là những ý kiến đề xuất mang tính xây dựng, cung cấp nhiều góc nhìn và kiến nghị đa chiều gửi tới cơ quan quản lý. Từ đó, kỳ vọng tìm ra “hướng đi” phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và đất nước.

Bảo Hoà