TP.HCM vào mùa hoa kiểng chờ xuân

Những ngày cuối năm là thời điểm các vườn trồng hoa kiểng ở TP.HCM tất bật bón phân, lặt lá,… để kịp phục vụ nhu cầu chơi hoa Tết của người dân.

Mặc dù thời tiết năm nay không thuận lợi và thị trường còn khó khăn do ảnh hưởng sau dịch bệnh, người dân ở các địa phương trồng hoa kiểng lớn tại TP.HCM như Quận 12, TP Thủ Đức vẫn quyết tâm bám trụ với nghề, giữ gìn truyền thống, góp phần mang hương xuân đến cho mọi nhà.

Nỗi lòng hoa Tết còn "trông nhiều bề"

Tiếp nối nghề trồng hoa truyền thống từ gia đình, hàng chục năm qua, chị Trịnh Thị Kim Lan (48 tuổi, ngụ Quận 12, TP.HCM) đã quen với việc tất bật mỗi khi hoa vào vụ Tết. Chị Lan chia sẻ năm nào cũng vậy, nói là trồng hoa Tết nhưng nhà vườn đã phải chuẩn bị từ bốn tháng trước mới kịp để xuất ra thị trường.

Chị Trịnh Thị Kim Lan (chủ vườn hoa, Quận 12) đang lặt lá chuẩn bị hoa cho dịp Tết. 

Năm nay, vườn chị Lan chuẩn bị được khoảng bảy tám loại hoa, đa số vẫn là các giống được ưa chuộng ngày Tết như: Cúc đại đóa, thược dược, hướng dương, mào gà… Chị kể Tết này đúng ra còn có hoa cát tường, nhưng mưa quá nên hoa bị hư, chết gần hết, thế là lỗ cả mười triệu đồng vì hai liếp cát tường, đi cả giống, cả công, cả phân bón.

Theo chị Lan nghề trồng hoa cũng là nghề nông, cực như làm ruộng, phải nương theo thời tiết. Chị cảm thán: "Nông dân cực cũng do nắng mưa, nắng quá thì héo, mưa quá rải phân trôi hết, phải rải lại làm mất chi phí nhiều".

Còn với anh Nguyễn Ngọc Phương, chủ vườn mai Phương Bình (TP Thủ Đức) ngày gió bấc về là ngày lo mai không nảy nụ. Anh Phương cho biết năm nay thời tiết không thuận lợi cho mai Tết: "Từ tháng 10 trở đi mưa nhiều, nút (nụ mai còn dưới nách lá) bị nhỏ không đạt, thay vì từ tháng 11 phải cho nút lớn rồi. Năm trước chất lượng được 10 thì năm nay chỉ có 5 - 6 thôi, không vừa bụng được. Nút mưa hoài sẽ bị non, hư, khi gió bấc về, những cây mai vàng sẽ bị teo đầu nút, chất lượng không đạt, chỉ những cây mai tứ quý mới chịu được. Năm nay vườn chuẩn bị 900 - 1000 cây, trong đó có 600 cây mai tứ quý, 300 cây mai vàng, mai lớn coi như hư hết rồi".

Không chỉ không được thời tiết ủng hộ, người trồng hoa còn gặp khó khăn do giá vật tư tăng, trong khi sức mua giảm và thương lái ép giá.

Chị Lan tâm sự: "Bình thường khách đến mua tận vườn, còn bán cho đại lý, hoa đẹp thì người ta mua, ai mua gì gả đó, thuận mua vừa bán. Mình chỉ bức xúc là có khách nói những câu khó nghe như "giờ không bán để 30 đổ". Làm vất vả từ 6 giờ sáng đến 9 giờ đêm mới về, còn với người bán thì cực nằm lăn lóc, lúc sợ móc túi, khi sợ "xì ke"". Chị cám cảnh nghề trồng hoa cũng cực, mà người bán hoa cũng cực.

Công nhân tất bật đưa chậu mai lên xe để di chuyển ra đường Phạm Văn Đồng.

Trước tình hình kinh tế khó khăn, nghề mai kiểng cũng gặp bất lợi. Anh Phương cho biết thị trường những năm gần đây chuộng thuê mai nhiều hơn. Khách hàng chỉ có nhu cầu mua khi cần biếu tặng. Chưa kể, năm nay nhiều cơ quan, xí nghiệp thua lỗ, không nhập hàng và cho công nhân nghỉ sớm dẫn đến khách hàng thắt chặt chi tiêu nên việc kinh doanh mai kiểng cũng chịu ảnh hưởng.

"Cây mai nó khó chịu lắm, mua mai giống như mua nhà mua đất, cây mai là cây kiểng đâu phải đồ ăn, không phải cứ không thích là đổi lại được, nó khó chịu lắm", anh Phương nói.

Giữ nghề truyền thống

Với chị Lan nghề trồng hoa như đứa con tinh thần có truyền thống từ thời ông bà, cha truyền con nối, vì vậy dù có khó khăn vất vả vẫn bám giữ nghề. "Nhiều khi lỗ muốn nghỉ, nhưng thấy người ta làm thì mình làm, như đứa con tinh thần, nôn không bỏ được", chị Lan chia sẻ.

Lớn lên cùng với cây mai, anh Phương cũng cho biết nghề trồng mai của gia đình đã có từ thời ông cố, truyền đến ông nội, sang đời cha anh cho đến đời anh đã có hàng chục năm trồng mai kiểng. Quyết tâm giữ nghề truyền thống gia đình, những năm qua anh không ngừng học hỏi, cải tiến, tìm hướng đi mới cho vườn mai.

Anh Nguyễn Ngọc Phương - chủ vườn mai Phương Bình - cho biết cây mai trổ hoa đúng ngày Tết sẽ tượng trưng cho sự may mắn cả năm. 

Anh Phương cho biết vốn trước đây anh cũng trồng mai liếp đất giống như những vườn mai ở Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TP.HCM), sau này nhận thấy nguồn nước bị ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe cây mai nên anh chuyển từ trồng mai dưới đất sang trồng chậu. Đồng thời nhận thấy cây mai tứ quý có sức sống tốt nên anh cũng mạnh dạng ghép nhánh mai vàng vào gốc mai tứ quý.

Dù vậy nghề mai "cũng lắm công phu", thời gian đầu chưa có kinh nghiệm nên từ tổng số 2.500 gốc, anh bị thiệt hại gần 1.000 gốc, chỉ còn có 1.500 -1.600 gốc.

Theo anh Phương để mai ra hoa đúng ngày là rất khó. Nếu dễ, ai cũng chăm sóc ra đúng ngày đồng loạt thì mai sẽ không có giá cao như hiện tại. Do đó có được một cây mai trổ đúng ngày là tượng trưng cho sự may mắn cả năm.

Chúng tôi đến vào thời điểm anh đang chuyển mai ra đường Phạm Văn Đồng chuẩn bị bán Tết. Anh Phương cho biết hiện vườn đã có đủ các dòng mai từ vài triệu đến vài tỷ đồng, đặc biệt tại đây có những gốc mai tứ quý tuổi đời hàng trăm năm với hoành to 115 - 130cm.

Càng đến gần Tết, không khí chuẩn bị ở những vườn mai tại TP.HCM càng thêm phần tất bật.

Để thích nghi với thị trường, anh Phương cũng cung cấp dịch vụ cho thuê mai và chăm sóc mai. Với những gốc mai có giá 300 triệu đồng, anh cho thuê từ 40 - 60 triệu đồng, đến khi qua Tết sẽ nhận về chăm sóc lại. Ngoài ra anh Phương cũng nhận chăm sóc thuê với những cây được khách mua đứt, công chăm sóc 30 - 40 triệu đồng và khách được đổi cây nếu sang năm không cho bông rộ.

Có một điều đặc biệt là vườn mai của anh không bán qua mạng xã hội, theo anh Phương mua mai phải đến tận vườn sờ tận tay, xem tận mắt thì mới vừa ý được. "Lại vườn mua bán, chia sẻ mới chính xác, không mua trâu vẽ bóng, có nhiều người nói tôi khùng, tôi khùng cũng được nữa, cây mai đâu có ít tiền, nhỏ thì cũng 5 - 7 triệu, mua về vợ không chịu, chồng không chịu mặt buồn một năm là tôi cũng không vui", anh Phương chia sẻ.

Không chỉ giữ lửa nghề, những vườn hoa kiểng còn tạo ra việc làm cho những người lao động gặp khó khăn do các đợt cắt giảm nhân sự, giải thể của doanh nghiệp. "Mình cố gắng làm cho nó tốt lên cũng được, mình cũng giúp được nhiều người, công nhân thất nghiệp, mấy ngày Tết người ta vào làm có tiền mua áo quần cho con. Mình không làm thì người ta không có việc làm nên cứ làm", chị Lan cho biết.

Dù còn đó nhiều khó khăn, trăn trở, những đôi tay trồng hoa kiểng ở TP.HCM vẫn miệt mài âm thầm giữ nghề truyền thống, ươm trồng những hy vọng và ấp ủ nụ xuân chờ ngày nở rộ khắp các nẻo đường.

Võ Liên