15h00 ngày 3/10: Xăng giảm về mốc thấp nhất trong năm 2022

(SHTT) - Từ 15h ngày 3/10, Liên bộ Công Thương - Tài chính thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Hiện tại, giá mặt hàng này đã có lần giảm thứ tư liên tiếp.

Do kỳ điều hành ngày 1/10 trùng vào thứ bảy nên thời gian điều hành được liên Bộ Tài chính - Công Thương lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, tức 15h ngày 3/10.

Ở kỳ điều hành này, Liên bộ Công Thương - Tài chính trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 RON 92 ở mức 451 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 450 đồng/lít, dầu diesel ở mức 300 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít và dầu mazut ở mức 741 đồng/kg.

 

Như vậy, sau điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:

Giá xăng E5 giảm 1.050 đồng/lít, bán ra là 20.730 đồng/lít

Giá xăng RON 95 giảm 1.140 đồng/lít, giá bán ra là 21.440đồng/lít.

 Trong khi đó, giá dầu diesel giảm 330 đồng/lít, giá bán ra còn 22.200 đồng/lít.

Dầu hoả giảm 760 đồng, giá bán ra 21.680 đồng/lít.

Dầu mazut cũng giảm thêm 560 đồng còn 14.090 đồng/kg.

Như vây, với đợt giảm giá này, giá xăng trong nước về mốc thấp nhất trong năm 2022 và về ngang ngưỡng của tháng 8/2021.

Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm tối đa 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng đối với xăng các loại, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut...

Liên quan đến vấn đề chiết khấu cho doanh nghiệp xăng dầu, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết theo các quy định hiện hành không có quy định mức chiết khấu trong giá xăng dầu.

Người phát ngôn Bộ Công Thương thừa nhận thời gian qua có tình trạng chiết khấu thấp, tình trạng bán xăng nhỏ giọt và cho rằng xuất phát hai lý do chính. Thứ nhất, do đầu năm đến nay thị trường xăng dầu thế giới phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động biên độ lớn ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp xăng dầu trong nước.

“Trong quý II, doanh nghiệp đầu mối tăng mạnh nhập khẩu nhưng sang quý III, giá liên tục giảm, các doanh nghiệp thua lỗ do nhập khẩu lượng lớn, giá cao nên buộc phải giảm mức chiết khấu cho hệ thống phân phối”, ông lý giải.

Bên cạnh đó, do cuối năm 2021 đến nay chi phí kinh doanh xăng dầu tăng, tuy nhiên để kiểm soát lạm phát, các chi phí này chưa được Bộ Tài chính công bố điều chỉnh nên doanh nghiệp đầu mối buộc phải cắt giảm các khoản chi phí, trong đó có chiết khấu xăng dầu.

Vân Anh