Phố cổ Hội An hối hả chằng chống bảo vệ di tích, sẵn sàng ứng phó siêu bão Noru

Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho biết từ ngày 24 – 27/9, đơn vị đã triển khai chằng chống bảo vệ các di tích, đặc biệt là di tích Chùa Cầu để chủ động ứng với siêu bão Noru.

Chuyên gia khí tượng nhận định từ nay đến chiều tối ngày 27/9, bão Noru đổ bộ vào Việt Nam, trở thành cơn bão số 4 năm 2022, có khả năng tăng một cấp lên cấp 16, tức đạt cấp siêu bão, mức độ rủi ro lên cấp 5.

Nghe tin bão số 4 có khả năng áp sát miền Trung, cán bộ của Trung tâm đã nhanh chóng xuống từng ngôi nhà và các điểm di tích nằm trong danh mục xuống cấp nghiêm trọng, trực tiếp hỗ trợ người dân chằng chống, gia cố nhà cửa.

Đặc biệt, Trung tâm đã tổ chức chống đỡ bảo vệ di tích Chùa Cầu. Cán bộ chuyên môn Trung tâm cùng những thợ mộc có kinh nghiệm hoàn thành chống đỡ với bộ khung gỗ chắc chắn và kỹ thuật riêng. Công tác chống đỡ được thực hiện cẩn trọng, vừa bảo vệ di tích vừa tránh làm tổn hại đến các cấu kiện của di tích đặc biệt quan trọng này.

Chống đỡ Chùa Cầu bảo vệ di tích ứng phó siêu bão Noru.

Hiện TP Hội An đang có 45 di tích xuống cấp, 11 di tích xuống cấp nghiêm trọng, 21 di tích xuống cấp nặng và 13 di tích xuống cấp nhẹ. Hiện Trung tâm đã hỗ trợ chống đỡ 5 di tích, các chủ di tích tự chống đỡ bổ sung 27 di tích.

Từ chiều 26/9, chính quyền Hội An cũng đã ngừng bán vé tham quan phố cổ cho đến khi bão số 4 đi qua. UBND TP Hội An tích cực hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, trụ sở, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở lưu trú nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân và khách du lịch.

Theo lời vận động của chính quyền TP Hội An, các chợ dân sinh đã tạm dừng hoạt động từ 12 giờ trưa nay. Một số cơ sở lưu trú trên địa bàn đã miễn phí nơi sơ tán tại chỗ cho bà con phòng tránh bão số 4.

 Chằng chống di tích ứng phó trước siêu bão Noru - Ảnh: Phòng Tư liệu và Thông tin Di sản - Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Cơn bão số 4 dự báo có cường độ rất mạnh, sức tàn phá lớn, đang di chuyển nhanh về phía vùng biển và đất liền nước ta. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từ 7 giờ sáng hôm nay đã chủ trì cuộc họp trực tuyến ứng phó khẩn cấp với bão số 4. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống bão đổ bộ với cường độ mạnh hơn dự kiến; phải bình tĩnh, không chủ quan dù thời tiết thế nào cũng không để bị động, gây thiệt hại tính mạng và tài sản.

Thủ tướng chỉ đạo tập trung rà soát, cương quyết sơ tán triệt để tất cả người dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh thủy sản, khu vực ven biển, cửa sông, trong các nhà yếu không đảm bảo an toàn. Sơ tán người dân ra khỏi nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập sâu trước khi bão đổ bộ vào.

 Siêu bão Noru chỉ còn cách Đà Nẵng - Quảng Nam 270 km

Thủ tướng nhấn mạnh việc bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ cứu nạn khi có tình huống, nhất là cứu hộ cứu nạn trên biển, trên sông và những nơi bị chia cắt.

Theo Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão kéo dài từ các tỉnh Thừa Thiên Huế đến Bình Định. Thời gian bão ảnh hưởng đến đất liền khoảng 12 tiếng, bắt đầu từ chiều nay (27/9) sóng biển tại khu vực bị ảnh hưởng do bão sẽ cao từ 3 – 5m, vùng tâm bão từ 6 - 8m.

Bảo Hòa