Vi vu Long Hải khám phá bí ẩn biệt thự “con ma nhà họ Hứa”

(SHTT) - Nếu là lần đầu đến thị trấn Long Hải (H. Long Điền, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), bạn sẽ không khỏi tò mò về ngôi biệt thự bỏ hoang gần bãi biển Long Hải và Dinh Cô. Nơi đây được thêu dệt lên bởi biết bao câu chuyện ma, nổi tiếng nhất vẫn là “con ma nhà họ Hứa'.

Câu chuyện về “biệt thự ma” tuyệt đẹp bị bỏ hoang

Trên ngọn đồi có diện tích hơn 6.000m2, tòa biệt thự được xây dựng theo kiến trúc cổ điển của Pháp. Vật liệu chính để hình thành là đá xanh và gạch kiểu Pháp. Biệt thự có quy mô ba tầng, có 6 phòng ngủ, 1 phòng khách, 1 nhà bếp, với khoảng 100 cửa sổ lớn nhỏ toàn bằng gỗ dầu.

Chở tôi dạo quanh khu biệt thự cổ, chị Kim Anh, một người dân sống gần đó hỏi: “Em đã biết gì về ngôi biệt thự này chưa?" Tôi lắc đầu. Chị cười và bảo "Để lúc rảnh chị kể cho nghe". Tôi thắc mắc sao tòa nhà đẹp như vậy, đang xây sao bỏ dở. Chị chỉ vẻn vẹn trả lười tôi ba chữ “ngôi nhà có ma”. Tôi khá ngạc nhiên, nhà ma, thời buổi này làm gì có ma. Tôi cố gặng hỏi thêm, nhưng không thu được thông tin gì.

 Ngôi biệt thự của chú Hỏa đang tu sửa thì bị bỏ dở

Mang theo sự tò mò ấy, tôi tìm kiếm trên google. Những thông tin tôi biết được đó là: “Tòa lâu đài này có thể trên 100 năm tuổi. Chủ nhân của nó được nghe kể lại là một người Hoa có tên là Hui Bon Hoa (Hứa Bổn Hòa, thường gọi chú Hỏa). Ông xây dựng tòa lâu đài này làm khu nghỉ dưỡng cho gia đình".

Chú Hỏa (1845-1901) là một thương gia có công rất lớn trong sự hình thành bộ mặt Sài Gòn Chợ lớn vào thời sơ khai. Cha mẹ ông là người Hoa quê ở tỉnh Phúc Kiến đã di tản xuống phương nam để tránh sự cai trị của nhà Thanh. Ông làm nghề thu gom ve chai, rồi một ngày bùng lên giàu có, mọi người cho rằng ông lượm ve chai nhặt được rất nhiều vàng… Xung quanh tin đồn ấy, còn có câu chuyện về người con gái của chú Hỏa, rất xinh đẹp, được chú rất yêu quý, nhưng lại mắc bệnh phong, nên phải sống cách ly với gia đình. Chú Hỏa đưa người con gái về ngôi biệt thự này sinh sống. Vài năm sau, cô gái chết. Từ đó, những câu chuyện nhìn thấy ma, nghe thấy tiếng khóc đêm vọng ra từ ngôi nhà, được mọi người truyền tai nhau kể lại. Cho đến năm 1972, khi quay bộ phim “Con ma nhà họ Hứa’, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã kéo đoàn làm phim từ Sài Gòn ra lâu đài này để thực hiện các cảnh quay. Phim “Con ma nhà họ Hứa” càng làm tăng sự kì bí cho ngôi biệt thự bỏ hoang. Và người dân sống ở đây không ai dám đến gần.

Năm 1986, Công ty Du lịch Đồng Nai tiếp nhận lâu đài, đầu tư, nâng cấp khai thác kinh doanh du lịch với tên gọi khách sạn Palace với 18 phòng ngủ, 1 nhà hàng, 1 nhà bếp, 1 sân tennis. Tuy nhiên khách sạn Palace chẳng hấp dẫn được bao nhiêu khách. Sau đó người ta đã từng cho tu sửa lại căn biệt thự. Theo lời người dân truyền tai nhau, có 1 số thợ ở đó treo võng trên cây sứ ngủ qua đêm nhưng sáng thức dậy thấy mình nằm phía dưới đường lên tòa nhà. Đồng thời, khách du lịch tham quan cũng chụp được 1 số ảnh ma nên không ai dám tu sửa lại tòa nhà.

Khám phá ngôi biệt thực ma bị bỏ hoang

Sau khi tìm hiểu được một só thông tin cơ bản về ngôi biệt thự, tôi khá tò mò nên quyết định một mình tìm lên.

Đó là buổi chiều, trời mưa nhỏ, tôi tìm đến lối vào ngôi biệt thự, cây cối, cỏ mọc um tùm ôm lấy tòa nhà cổ. Tại đây vẫn còn nguyên những vôi vữa, gạch đá, xi măng, những chiếc thang để thi công. Lối đi vào biệt thự chú Hỏa khá dài, khi tôi đang loay hoay tìm cách lên thì một người phụ nữ xuất hiện hỏi tôi làm gì ở đây. Tôi nói rằng mình lên tham quan và muốn chụp một vài kiểu ảnh vì tò mò. Chị nói cần phải xin phép chủ đầu tư nhưng sau khi nghe tôi năn nỉ, chị đã đích thân đưa tôi lên ngôi biệt thự huyền bí. Tôi tham quan với tâm lý vừa hồi hộp vừa mong chờ, không biết điều gì sẽ xảy ra. 

Dụng cụ thi công vẫn còn ngổn ngang trong tòa nhà 

Quả thực cảnh tượng ở đây như bãi chiến trường, vật liệu xây dựng còn ngổn ngang, cuốc, xẻng, bao bì, bàn chát tường, thang dựng vẫn còn y nguyên. Tôi liên tưởng đến sự vội vã bỏ đi của những con người này khi nhìn thấy gì đó. Hơi lạnh người, nhưng vì tò mò và thích thú, tôi vẫn thăm quan hết các phòng. Căn phòng nào tôi cũng ngó vào, nhìn một lượt rồi ra ngay mà không ở lâu vì không có gì.

Khi tôi lên đến tầng cao nhất, rồi qua sân thượng thì không thấy chị gái đi cùng. Tôi nghĩ rằng chị không theo tôi nữa mà xuống tầng dưới để đợi. Tôi vẫn mải miết leo lên, quả thật kiến trúc rất đẹp, tại cầu thang tầng 2 và tầng 3 có hình long phượng in vào tường khá ấn tượng. Ngôi nhà rất đẹp, chi tiết trong nhà cũng tuyệt nhưng vẫn ám ảnh tôi một vẻ hoang vắng đến rợn người.

 Ngôi biệt thự khi nhìn từ phía sau

Khi leo đến mái vòm tần thượng, tôi khá bất ngờ bởi trên đây "view" quá hoàn hảo. Đứng từ đây, tôi có thể thấy biển Long Hải, Dinh cô và xa xa là Mộ Cô. Nhìn xuống dưới, quả thực kiến trúc ngôi biệt thự khiến tôi phải trầm trồ. Dù đã qua hàng trăm năm tuổi, nhưng lâu đài vẫn giữ được nét cổ kính, uy nghi và lộng lẫy. Đây thực sự là điểm du lịch hấp dẫn cho những ai mê khám phá ưa thử thách đến thăm quan một lần.

Rời khỏi ngôi biệt thự, tôi vẫn còn vấn vương suy nghĩ về tòa lâu đài ngày càng hoang vu, những phiến đá đã rêu phong, những mảng tường không còn lớp vôi phủ bên ngoài đã bạc màu. Dấu ấn của thời gian phủ kín lâu đài. Không một bóng người lai vãng, tòa nhà trở nên vắng vẻ đến lạnh lùng.

Một số hình ảnh về ngôi biệt thự bị bỏ hoang:

Lối lên phía sau ngôi biệt thự được rào lại bởi một cổng tự chế 
 Lối lên phía sau ngôi biệt thự
Mái vòm nhìn từ bên ngoài tầng thượng 
Mái vòm trên tầng thượng 
Một góc khuôn viên quanh biệt thự, tường đá rêu phong 
Một góc sân sau ngôi biệt thự 
 Từ tầng thương ngôi biệt thự có thể nhìn thấy khu Mộ Cô
 Bên trong mái vòm được thiết kế khá tỉ mỉ, mang đậm phong cách Pháp
 Bậc thang lên ngôi biệt thự duy nhất còn nguyên vẹn
 Bậc thang lối lên biệt thự từ cổng sau
 
 Bức chạm long phượng trong ngôi biệt thự chú Hỏa - Long Hải
 Bức tường đá lâu đời bao quanh ngôi biệt thự
Cận cảnh bậc thang lên ngôi biệt thự 
Cận cảnh mái vòm ngôi biệt thự ma Long Hải 
 Dãy trường thành quanh ngôi biệt thự cổ
 Dãy tường thành bao quanh ngôi biệt thự mang đậm tính cổ kính, huyền bí
 Góc sân trên tầng thượng
 Hành lang khoảng không gian phía sau ngôi biệt thự khá cổ
 

                                                              Nguyễn Nga