Rau VietGAP 'rởm' vào siêu thị: Người tiêu dùng dè chừng thương hiệu 'chuẩn VietGAP'

Sau vụ việc rau VietGAP "rởm" bán trong siêu thị gây hoang mang dư luận, nhiều người tiêu dùng tỏ ra dè chừng với những sản phẩm mang mác "rau sạch".

Vắng bóng các mặt hàng mang nhãn mác VietGAP

Những ngày qua, dư luận đang xôn xao trước thông tin rau sạch "rởm" được "biến hình" rồi bán Winmart, Tiki ngon. Theo đó, một số công ty đã đi gom rau ở chợ, dán nhãn VietGAP rồi bán cho các siêu thị, nhất là trong các siêu thị được nhiều người tin tưởng.

Theo ghi nhận của PV, những ngày qua, các mặt hàng rau, củ, quả của Trình Nhi và HugoFarm không còn xuất hiện trên các quầy kệ của 3Sạch, sàn thương mại điện tử Tiki hay WinCommerce. Tại các cửa hàng Bách Hóa Xanh cũng không còn bán các mặt hàng nhập từ Đông A, cụ thể là mặt hàng nấm.

Bên cạnh đó, một số hệ thống cung cấp thực phẩm như Tops Maket, Co.opMart... cũng không bán các sản phẩm gắn nhãn mác VietGap.

Các mặt hàng mang nhãn mác VietGap không xuất hiện tại các siêu thị.

Trước đó, đại diện Bách Hóa Xanh cho biết, đơn vị đã thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp Công ty CP Sản xuất thương mại Đông A (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP.HCM) sau thông tin đơn vị này dùng nấm nhập khẩu từ Trung Quốc, thay đổi bao bì, nhãn mác thành hàng trong nước có tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời yêu cầu Đông A giải trình về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm và quy trình cung ứng.

“Hiện mặt hàng chúng tôi nhập từ Đông A là mặt hàng nấm, không bao gồm các sản phẩm khác. Theo dữ liệu NCC, chúng tôi bắt đầu ký hợp đồng với Đông A từ ngày 08/06/2022 với tỉ lệ 3% trên tổng sản lượng mặt hàng nấm của chuỗi”, đại diện Bách Hóa Xanh cho biết.

Chiều 22/9, đại diện chuỗi siêu thị thực phẩm 3Sạch cũng thông tin đến khác hàng về 2 nhà cung cấp Trình Nhi và HugoFarm. Theo đó, tỷ trọng rau của 2 nhà cung cấp Trình Nhi và Hugo Farm từ tháng 8 - 18/09/2022 là 3% trên tổng sản lượng hàng hóa và có tỷ trọng 15% trên tổng sản lượng mặt hàng rau của 3Sạch (theo số liệu đã báo cáo với Sở Công Thương ngày 20/09/2022).

Tại Bách Hóa Xanh không còn bán các mặt hàng nấm nhập từ Đông A.

Đơn vị này cũng cho biết thêm hiện tại 3Sạch đang hoàn thành mọi thủ tục sớm nhất để thực hiện chương trình tri ân cho khách hàng đã mua rau của 2 nhà cung cấp này.

Trước đó, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM ký công văn khẩn gửi các Đội QLTT về việc rà soát, phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Đây là biện pháp mà đơn vị triển khai ngay sau thông tin mà báo chí phản ánh về tình trạng nhiều người dân phải trả giá cao để mua "rau an toàn" và “đạt chuẩn VietGAP” tại các siêu thị, nhưng thực tế một số công ty lại đi gom rau ở chợ đầu mối, dán nhãn VietGAP rồi bán cho siêu thị.

Các cơ quan chức năng như Cục QLTT TP.HCM, Ban An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố cũng đã nhanh chóng vào cuộc.

Người tiêu dùng dè chừng mua rau sạch

Rau VietGAP "rởm" được phanh phui đã làm nhiều người tiêu dùng lo ngại và dần mất niềm tin đối với các sản phẩm này.

Chiều 22/9, tại một siêu thị trên đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh, chị Hoài Thương đang tìm mua rau để chuẩn bị cho bữa ăn gia đình. Sau một hồi chọn tới chọn lui, chị quyết định không mua bởi ngần ngại không biết rau mình mua có xuất xứ từ đâu.

“Giờ xem nhãn mác thấy là đơn vị khác, nhưng có gì đảm bảo các đơn vị cung cấp rau này không gian dối. Tôi chấp nhận mua rau sạch giá cao gấp nhiều lần rau mua tại chợ nhưng lại dính rau bẩn thì rất mất niềm tin”, chị Thương cho hay.

Chị Bích Ngọc là người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm bày bán tại các cửa hàng siêu thị vì cho rằng các mặt hàng đều có nguồn gốc và được kiểm định an toàn. Tuy nhiên, khách hàng đã thất vọng và nghĩ bản thân bị lừa gạt bỏ tiền mua rau củ sạch, tiêu chuẩn với giá cao, trong khi nhận được rau củ bẩn.

“Vì tính chất công việc bận rộn không có thời gian đi chợ nên tôi thường xuyên đặt mua thực phẩm như rau, thịt… tại siêu thị. Cứ nghĩ hàng hóa vào siêu thị đã được kiểm tra nguồn gốc, thực phẩm sạch, an toàn nên tin tưởng mua sắm nhiều năm qua. Giờ không chỉ rau, củ, quả mà các mặt hàng như thịt, cá tôi không biết có còn an toàn như lời quảng cáo của các cửa hàng không nữa”, chị Ngọc nói.

Từ vụ việc trên, không riêng phân khúc rau sạch mà thị trường thực phẩm nói chung sẽ bị loạn bởi sự thật - giả; bẩn - sạch lẫn lộn và người tiêu dùng lo ngại khi mua hàng. Vì không ai có thể chấp nhận được việc mình phải bỏ ra một số tiền lớn lại nhận về loại hàng hoá “bẩn” được phù phép thành “sạch”.

Nhiều ý kiến cho rằng, những cá nhân, tổ chức biến rau sạch "rởm" thành rau chuẩn VietGAP cần bị khởi tố về hành vi "sản xuất, buôn bán hàng giả" theo Điều 192 BLHS 2015. Các tổ chức, cá nhân này vì mục đích thu lợi bất chính đã làm giả chất lượng, tiêu chuẩn của rau - một trong những sản phẩm gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Đặc biệt, không thể thiếu việc truy trách nhiệm đối với những tổ chức cấp chứng nhận VietGAP mà không kiểm tra hồ sơ, thực tế theo đúng quy chuẩn nhà nước đưa ra.

VietGAP là quy chuẩn được Bộ NN&PTNT xây dựng hàng chục năm qua như một bảo chứng, lòng tin cho người tiêu dùng về nông sản sạch. Chính vì vậy, quy trình cấp giấy chứng nhận này rất khắt khe, phải đáp ứng nhiều tiêu chí liên quan đến giống, đất, quy cách về nơi trồng, nhật ký trồng, khối lượng, ngày bón phân, xịt thuốc... Các thông tin này đều được lưu trữ và hàng ngày đều có người của tổ chức cấp chứng nhận kiểm tra, giám sát. 

Cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ NN&PTNT cần có ý kiến cụ thể, nhằm bảo vệ cho thương hiệu "chuẩn VietGAP" và những người nông dân thứ thiệt. Nhất là khi niềm tin người tiêu dùng đang xuống thấp như hiện nay, nông dân làm đúng chuẩn VietGAP sẽ là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Thanh Thảo - Võ Liên