Mưa lũ đổ như thác tại Sa Pa, hệ lụy do đâu?

(SHTT) - Khoảng 14h ngày 20/9, trên địa bàn thị xã Sa Pa (Lào Cai) đột ngột xuất hiện mưa rất to trong khoảng một giờ. Một số tuyến phố trung tâm tại thị xã du lịch vùng cao này bị ngập úng cục bộ.

Vào chiều ngày 20/9, mưa lớn xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố Bắc Bộ. Đặc biệt, tại thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai), mưa lớn kéo dài suốt buổi chiều khiến nhiều tuyến đường thuộc trung tâm bị "tê liệt", bao gồm đường Điện Biên Phủ, đường Thạch Sơn, Xuân Viên... Nơi trũng nhất bị ngập 0,3-0,5 m. Các phương tiện phải đi đường vòng để tránh những điểm có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

 

Tại tuyến đường lên bản Cát Cát, vào khoảng 14h00 ngày 20/9, hình ảnh người dân ghi lại cho thấy nước chảy xối xả từ vách núi, gây ngập úng cục bộ. Một số nhà dân đã bị nước tràn vào trong nhà, nước đổ từ điểm địa hình cao xuống mặt đường thấp gây khó khăn cho các phương tiện di chuyển.

Việc Sa Pa ngập sâu như các đô thị đồng bằng khiến nhiều người không khỏi thắc mắc bởi đô thị vùng núi này có độ cao khoảng 1.600m so với mực nước biển. Nguyên nhân trước mắt có thể nhìn thấy là do mưa lớn và hệ thống thoát nước chưa hoạt động tốt.

Mặc dù cống thoát nước bé nhưng rác thải xây dựng từ các công trình lớn, rải thải sinh hoạt, dầu mỡ từ các nhà hàng thải ra liên tục. Đây là hậu quả đến từ chính hạng mục thi công, thiết kế không phù hợp, giải pháp thi công không tốt, nhiều chỗ không dùng cống định hình mà dùng cốt pha đổ bê tông trực tiếp. Vì vậy thành cống không nhẵn và dễ gây tắc do rác thải.

Ngoài ra có thể thấy, tại đô thị vùng núi này hiện đang mọc lên rất nhiều khu Nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng cao cấp, tiêu biểu như dự án Quần thể BĐS Nghỉ dưỡng núi cao cấp đầu tiên tại Việt Nam Sapa Jade Hill.

Dự án này nằm ở phố Mường Hoa, là tuyến đường huyết mạch kết nối các điểm du lịch nổi tiếng tại Sapa, Lào Cai. Đây là dự án bất động sản lớn nhất tại Sapa cả về quy mô 47,45 ha và tổng vốn đầu tư 1980 tỷ đồng, do Công ty CP Trường Giang Sapa làm chủ đầu tư. Đơn vị phát triển và khai thác dịch vụ dự án là GBI Land.

Công trình bao gồm các phân khu tiêu biểu như: Nhà phố thương mại; Biệt thự dịch vụ cho thuê; Biệt thự núi nghỉ dưỡng hạng sang; Khu nhà cọ thương mại nghỉ dưỡng; Chợ truyền thống; Khách sạn 5 sao; Vườn cây sinh thái và bảo tồn tự nhiên; Khu vui chơi giải trí tập trung.

Vậy việc Sa Pa thường xuyên bị ngập sâu phải chăng là hệ lụy do việc chặt cây, phá rừng, bê tông hóa bề mặt làm giảm khả năng thẩm thấu của nước và khiến nước thường xuyên dồn từ trên cao xuống?

Vì vậy chính quyền địa phương cần nhìn lại những chính sách quy hoạch tại vùng đất du lịch này.

Ngoài ra theo tìm hiểu, Công ty CP Trường Giang Sapa còn vướng nhiều lùm xùm khi thực hiện các dự án nghỉ dưỡng tại đây, tiêu biểu như Dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Cầu Mây Mercure Sapa Resort & Spa. Sở hữu trí tuệ Online sẽ tiếp tục đưa tin trong các bài viết tiếp theo.

Nhóm PV