Khí amoniac có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe con người?

(SHTT) - Tiếp xúc trực tiếp: Nếu tiếp xúc với amoniac đậm đặc, da, mắt, họng, phổi có thể bị bỏng nặng. Những vết bỏng có thể gây mù vĩnh viễn, bệnh phổi hoặc tử vong.

Nhiều cây xanh trong khu vực bị cháy xém. Ảnh: TNO 

Rò rỉ khí amoniac: 4 người bị thương

Trước đó, vào khoảng 9 giờ 15 phút ngày 10/10, trong quá trình sang chiết khí amoniac (NH3) từ xe bồn vào bồn chứa tại trạm chiết nạp khí, gas ở số 217B/7A, đường An Phú Tây - Hưng Long, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM đã xảy ra sự cố khiến một lượng lớn khí NH3 thoát ra ngoài, 4 người bị thương. Lực lượng chức năng đã phải di tản dân cư xung quanh và học sinh để đảm bảo an toàn.

Các nạn nhân nhanh chóng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện H.Bình Chánh, trong đó có 3 người bị nặng (2 công nhân, 1 tài xế lái xe chở khí) sau đó phải chuyển lên cấp cứu ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

Ngay sau khi nhận được tin báo xảy ra sự cố rò rỉ khí độc, cảnh sát PCCC huyện Bình Chánh đã nhanh chóng điều động 5 xe chuyên dụng cùng 35 chiến sĩ đến hiện trường xử lý. Ngay khi có mặt tại hiện trường, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp kiểm tra sơ bộ và xác định đây là sự cố rò rỉ khí NH3 (một loại khí rất độc) nên đã nhanh chóng phối hợp với chính quyền địa phương cho di dời dân xung quanh và học sinh Trường tiểu học An Phú Tây 2 ra khu vực an toàn, đồng thời tiến hành xử lý hóa chất và phun nước để làm loãng nồng độ NH3 trong không khí.

Tại hiện trường, hàng chục gia súc, gia cầm của các hộ dân gần đó bị chết ngạt, cây cỏ trong bán kính vài chục mét bị cháy xém lá.

Vụ việc đang tiếp tục được làm rõ.

Khí amoniac ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Theo các bác sĩ, amoniac là một chất khí không màu, có tính kích ứng cao với mùi nồng, ngạt. Amoniac có tính ăn mòn, xâm nhập vào cơ thể do hít, nuốt vào hoặc tiếp xúc qua da.

Amoniac có tính ăn mòn. Tiếp xúc với nồng độ cao amoniac trong không khí gây bỏng niêm mạc mũi, cổ họng và đường hô hấp dẫn đến phá hủy đường hô hấp. 

Khi tiếp xúc trực tiếp: Nếu tiếp xúc với amoniac đậm đặc, da, mắt, họng, phổi có thể bị bỏng nặng. Những vết bỏng có thể gây mù vĩnh viễn, bệnh phổi hoặc tử vong.

Đối với những trường hợp vô tình nuốt phải amoniac đậm đặc có thể dẫn đến tình trạng bỏng ở miệng, cổ họng cũng như dạ dày. Khi xâm nhập vào cơ thể, amoniac sẽ tác dụng với nước trong cơ thể tạo thành amoni hydroxit. Hóa chất này có tính ăn mòn và làm tổn thương tế bào.

NH3 còn phá hủy các nhung mao và niêm mạc đường hô hấp là những cơ quan bảo vệ cơ thể chống lại sự nhiễm trùng. Các mô bị hoại tử, tế bào chết, hiện tượng sưng phù và phản ứng co cơ trơn đường hô hấp có thể gây tắc nghẽn đường hô hấp.

PV (t/h)