Ảnh: Tranh sơn mài Tương Bình Hiệp tinh xảo, giàu giá trị văn hoá

Tên tuổi của tranh sơn mài Tương Bình Hiệp vang xa khắp thế giới nhờ có bản sắc riêng mang đậm văn hoá dân tộc. Những nét vẽ của nghệ nhân thể hiện sự tinh xảo, nhẹ nhàng, thanh thoát đến mê hồn.

Suốt thời gian hơn thế kỷ, sơn mài đã giúp người dân ở TP Thủ Dầu Một nói chung và làng Tương Bình Hiệp nói riêng có cuộc sống ấm no, khá giả.

Hiện nay, sơn mài không còn ở vị thế độc tôn ở đây nữa do sự cạnh tranh, thay đổi của thị trường nhưng nó vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống, đặc biệt là giá trị văn hoá địa phương, dân tộc.

 Để hoàn thiện một bức tranh sơn mài phải trải qua nhiều công đoạn. Để có sản phẩm đẹp trước tiên phải chọn chất liệu gỗ chất lượng, có bề mặt trơn bóng sau đó phủ một lớp keo. Phủ lớp sơn lên bề mặt gỗ rồi cho cotton phủ tăng độ chắc chắn. Tiếp đó phủ lớp sơn sống lên bề mặt sản phẩm. Dát vàng hoặc bạc, vỏ trứng mảnh xà cừ …lên bề mặt sản phẩm. Phủ màu, sử dụng dầu bóng được pha với màu để tạo độ bóng và độ sâu cho sản phẩm.
Mài màu để tạo độ bóng như gương cho sản phẩm, vẽ tay hoặc chạm khắc hoa văn, hoạ tiết theo thiết kế, phủ bóng hoặc phủ mờ; mài quang; đánh bóng sản phẩm; kiểm tra lại chất lượng thành phẩm. 
 Nếu thiếu hoặc làm không tốt một trong những công đoạn trên thì tác phẩm sơn mài sẽ không đạt chất lượng tốt nhất.
Một nghệ nhân gần 70 tuổi đang mài để tạo độ bóng cho vật liệu vẽ tranh.
 Những nét vẽ tinh xảo, nhẹ nhàng thanh thoát của nghệ nhân.
 Ngoài những nghệ nhân lớn tuổi, cũng có nhiều nghệ nhân làm sơn mài có tuổi đời còn rất trẻ.
 Để hoàn thiện một bức tranh sơn mài mất rất nhiều công đoạn và thời gian. Vì vậy các nghệ nhân phải phối hợp nhịp nhàng, cẩn trọng.
Tác phẩm sơn mài có tên mã đáo thành công thể hiện những nét vẽ vô cùng tinh xảo, thể hiện giá trị văn hoá.
Những nghệ nhân sơn mài vừa kế thừa nét văn hóa mỹ thuật truyền thống của dân tộc, vừa phát huy những giá trị văn hóa của địa phương để tạo nên nét đặc sắc riêng của làng nghề. 
 
 Ðiểm chung ở những bức tranh sơn mài là các chủ đề về tứ thời, ngư tiều canh mục, long lân quy phụng, các danh lam thắng cảnh ở Việt Nam…
 Bằng những phương pháp thể hiện như: sơn mài sơn lộng, sơn mài vẽ mỏng, sơn mài khoét trũng, sơn mài đắp nổi, sơn mài cẩn trứng, sơn mài cẩn xà cừ, cẩn ốc… kết hợp trên gỗ, gốm, tre và nhiều chất liệu khác, sản phẩm sơn mài đã xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính.
Được xem là người giữ lửa và tiếp nối làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, nghệ nhân ưu tú Lê Bá Linh (Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài – Điêu khắc Bình Dương) cho biết cho biết thời điểm vàng son năm 1980 - 1990, người dân ở TP Thủ Dầu Một làm nghề sơn mài chiếm 60-70%, còn ở Tương Bình Hiệp chiếm tới gần 90%. 
 Theo nghệ nhân Lê Bá Linh, nhờ theo nghề sơn mài mà thời điểm hơn 10 năm trở về trước, cuộc sống của người dân đầy đủ, thậm chí có nhiều người dân trở nên giàu có. Mặt khác, giá trị sơn mài mang lại cũng làm nền tảng thúc đẩy các ngành nghề khác phát triển theo.
 Nghệ nhân Trần Thiện Tâm chia sẻ về tác phẩm sơn mài.
Hiện nay mặt hàng sơn mài Tương Bình Hiệp vô cùng đa dạng. 
Tranh sơn mài được thể hiện đa dạng trên bình.
 Không chỉ trên gỗ, hiện nay tranh sơn mài còn được thể hiện trên đồ nhựa, sắt...để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
 
 
 Tác phẩm sơn mài ghi lại hình ảnh đồng quê được thể hiện trên đĩa rất đẹp mắt.
Theo nghệ nhân ưu tú Lê Bá Linh (Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài – Điêu khắc Bình Dương), so với những năm trước đây, sơn mài ở Tương Bình Hiệp giảm mạnh. “Làng Tương Bình Hiệp hiện nay có rất ít nghệ nhân, người làm nghề sơn mài và đầu ra sản phẩm cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới, dẫn tới lượng hàng xuất khẩu giảm mạnh; xu hướng tiêu dùng khách hàng thay đổi; giá trị hàng hoá ngày càng cao; hàng sơn mài bị cạnh tranh bởi những mặt hàng giá rẻ, sản xuất bằng máy móc công nghiệp… Mặt khác, ở Bình Dương công nghiệp phát triển mạnh, nhu cầu lao động lớn thu nhập lại cao nên nhiều người chọn hướng đi mới”, nghệ nhân Lê Bá Linh chia sẻ. 
Nghệ nhân này cho biết, làng sơn mài Tương Bình Hiệp được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nhưng lại đang có nguy cơ bị mai một, xoá sổ. Vì vậy, để gìn giữ, khôi phục và phát triển làng nghề này cần phải có đề án, hoạch định đầu tư rõ ràng. 

Quang Hải - Hoàng Hải - Thang Nga