Người họa sĩ mang màu sắc mới cho áo dài ở thành phố ngàn hoa

Ở Đà Lạt gần như rất khó tìm người vẽ thủ công từ màu Acrylic trên trang phục và không có người đào tạo cho thế hệ trẻ. Chính vì vậy mà thầy Phạm Công Tuyên từ một người nghệ sĩ đam mê nghệ thuật đã chọn thành phố ngàn hoa để mở lớp dạy vẽ…

Người họa sĩ dùng màu Acrylic chuyên dụng cho vải để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật hoàn toàn vẽ thủ công. Ngoài áo dài, ông còn vẽ áo đầm, sơ mi, khăn cổ, túi xách, nón… 

Cơ duyên đến với thành phố ngàn hoa

Cách đây 4 năm, họa sĩ Phạm Công Tuyên nhận lời mời đến với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục Lasan Đà Lạt để dạy bộ môn hội họa vì yêu thành phố ngàn hoa xinh đẹp.

Thầy Tuyên cùng học trò lên màu họa tiết trên vải.

Thầy Tuyên trải lòng: "Nghề vẽ thủ công này học có thể rất nhanh ra nghề,không đòi hỏi nhiều về năng khiếu. Chỉ cần bạn có đam mê, chúng tôi sẽ có phương pháp giúp bạn. Tà áo dài đã là một trang phục truyền thống đẹp trong mắt bạn bè thế giới, chỉ cần khéo léo đưa họa tiết “điểm xuyết” sẽ càng tôn vinh tà áo ấy. Cái tài của người vẽ là phải làm sao để họa tiết được thể hiện một cách hài hòa, chân thật và sắc nét nhất."

 Màu Acrylic được sử dụng trên họa tiết áo dài truyền thống người Việt.

Vẽ tay 3D phần nào đòi hỏi cao hơn những ngành nghề “in ấn” khác, phải trải qua nhiều công đoạn pha, sử dụng keo, màu lót mới làm nên tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh từ màu Acrylic. Một khi đã vẽ xong thì đấy là tác phẩm có một không hai độc đáo.

 Mỗi chất liệu vải khác nhau sẽ có yêu cầu riêng về cách phối và lên màu acrylic.

Thầy cho biết thêm: "Sau một thời gian sử dụng màu Acrylic trên trang phục, nay tôi đã tìm ra thêm một cách mới đó là đưa bột ngọc trai được pha keo để tạo ra một sản phẩm mới cùng với màu acrylic. Cách này càng làm cho trang phục sang trọng hơn, quý phái hơn nhưng vẫn giữ được nét tươi trẻ cho người mặc".

Mong giữ gìn nghệ thuật truyền thống

Ban đầu, học viên của thầy Tuyên không đông lắm, chỉ khoảng từ 7 đến 10 người trong một lớp học. Họ khác nhau về trình độ lẫn năng khiếu. Lớp học có từ thanh thiếu niên đến những cụ ông, cụ bà đã ngoài U70. Ngoài mục đích học để có thêm nghề mưu sinh, có người còn đến học để vẽ trang phục tặng cho những người thân yêu và gia đình của mình. Dù đến lớp với mục đích gì, học viên đều được thầy chỉ bảo cặn kẽ, nhiệt tình.

Sản phẩm dùng màu acrylic tại xưởng vẽ Anthony của thầy Tuyên.
 Họa tiết màu acrylic trên vải áo dài.

Sau thời gian nỗ lực, một số bạn đã ra được nghề. Sản phẩm áo vẽ có giá mắc hơn hàng in ấn nhưng vẫn thu hút được nhiều khách hàng lựa chọn. Nhiều khách hàng khi đã đón nhận sản phẩm lại giới thiệu đến bạn bè là những du khách nước ngoài đến Đà Lạt. Đây cũng chính là niềm hạnh phúc của thầy trò hoạ sĩ Phạm Công Tuyên.

 Khách hàng tại xưởng vẽ Anthony của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục LaSan Đà Lạt

Sau 2 năm dịch Covid-19, lớp học không còn hoạt động được như trước. Thầy Tuyên vẫn luôn trăn trở để phục hồi lớp vẽ sau mùa dịch, làm sao để có nhiều học viên hơn, tìm được đầu ra cho sản phẩm để duy trì lớp học và tiếp tục truyền nghề này cho người trẻ. 

                                                                                                                                                           Đặng Hà