Thú vị với tổ hợp không gian khoa học đầu tiên tại Việt Nam

Công trình tổ hợp không gian khoa học bao gồm Nhà chiếu hình vũ trụ và Bảo tàng khoa học vừa được khánh thành tại thung lũng Quy Hòa (TP Quy Nhơn).

Đây là sự kiện đặc biệt nhằm chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022) và nằm trong các hoạt động của Lễ hội du lịch “Quy Nhơn - Thiên đường biển” của tỉnh Bình Định. Với mục đích đưa khoa học đến với công chúng quy mô, bài bản nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại.

 Lễ cắt băng khánh thành Tổ hợp Không gian khoa học tại Khu đô thị Khoa học và giáo dục Quy Hòa, TP. Quy Nhơn

Từ ý tưởng đầu tiên về dự án “Tổ hợp Không gian khoa học” do Hội Gặp gỡ Việt Nam đề xuất cùng với sự hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành trung ương và sự quyết tâm của UBND tỉnh Bình Định, đến nay Công trình “Tổ hợp Không gian khoa học” bao gồm Nhà chiếu hình vũ trụ và Bảo tàng khoa học đã hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ mọi người.

Tổ hợp không gian khoa học với diện tích 3,99ha gồm 3 công trình chính: Nhà chiếu hình vũ trụ chứa màn hình vòm bán cầu với đường kính 12m, khán phòng và khu khám phá khoa học. Khán phòng có  80 chỗ ngồi với công nghệ trình chiếu và mô phỏng mới nhất, giúp người xem khám phá những hình ảnh tuyệt đẹp của vũ trụ, giải thích các vấn đề liên quan đến thiên văn học và các hiện tượng thiên nhiên với hình ảnh trực quan, sống động, mang đến cho khán giả những trải nghiệm chân thực.

 Phòng trưng bày Hệ Mặt trời định vị mọi người trong Vũ trụ, về không gian lẫn thời gian được thể hiện qua 3 chủ đề chính là Trái Đất và Mặt Trời; Các hành tinh anh em; Hệ Mặt trời trong lịch sử Vũ trụ.

Khu khám phá khoa học gồm các phòng trưng bày, phổ biến khoa học phổ thông với công chúng nhiều lứa tuổi. Đây là nơi thực hành, trải nghiệm, tương tác với các mô hình khoa học, các thiết bị công nghệ tiên tiến, khám phá những kiến thức khoa học lý với phương châm “chơi mà học, học mà chơi”, khơi gợi và khích lệ niềm đam mê khoa học.

Đặc biệt còn có các hạng mục như khu thiếu nhi (dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2022) và Trạm quan sát thiên văn phổ thông - sử dụng kính thiên văn quang học đường kính ống 60 centimet, là loại kính thiên văn lớn nhất tại Việt Nam hiện nay được đầu tư, lắp đặt nhiều thiết bị hiện đại, cho phép quan sát một vật thể ở khoảng cách hơn 1 tỷ năm ánh sáng.

 Hoạt động trải nghiệm khoa học tại Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo.

GS. Trần Thanh Vân chia sẻ tại buổi lễ: “Đây là dự án với mục đích đưa khoa học đến với công chúng quy mô, bài bản nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại. Sau 7 năm xây dựng, trải qua nhiều khó khăn về thủ tục, lựa chọn thiết bị, xây dựng, đào tạo nhân lực vận hành…, dự án đã hoàn thành".

 Các đại biểu tham quan và tìm hiểu về Tổ hợp Không gian khoa học.

Tại buổi lễ, ông Lâm Hải Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Dự án khánh thành và đưa vào sử dụng để cùng với Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành, công viên sáng tạo TMA sẽ tạo thêm xung lực, thúc đẩy ước mơ xây dựng khu đô thị khoa học đi thêm một bước trên đường hiện thực”.

Với tinh thần học hỏi, tiếp thu những tinh hoa về khoa học và giáo dục trên thế giới, cùng sự hợp tác và sẻ chia của bạn bè khoa học khắp năm châu, nơi đây sẽ trở thành một điểm sáng về khám phá khoa học cho toàn thể công chúng, và là nơi khơi nguồn đam mê, sáng tạo cho lớp trẻ của đất nước.

Tuyết Trinh – Huỳnh Hòa