Những con số đáng báo động về vấn nạn phá thai không an toàn

(SHTT) - Việt Nam thuộc top 5 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới, mỗi phút có 38 ca phá thai không an toàn, cứ 8 phút lại có một bà bầu chết vì phá thai, có 8 triệu ca phá thai trên thế giới không an toàn... đó là những số liệu thống kê đáng giật mình.

Việt Nam thuộc top 5 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới và dẫn đầu châu Á

Theo thông tin được đăng tải trên VnExpress, báo cáo chính thức cho thấy mỗi năm cả nước có khoảng 250.000-300.000 ca phá thai. 

Thống kê từ hai bệnh viện phụ sản lớn nhất khu vực phía Nam là Từ Dũ và Hùng Vương, số lượng phụ nữ nạo phá thai những năm qua gần như không giảm. Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ty, Phó Khoa Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Từ Dũ cho biết năm 2016 bệnh viện tiếp nhận 27.154 ca phá thai, riêng sáu tháng đầu năm 2017 có 14.159 ca. Phá thai ở trẻ vị thành niên hơn 1.000 ca. Trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 80 ca đến bỏ thai.

 Việt Nam thuộc top 5 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới và dẫn đầu châu Á

Tiến sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết năm 2016 nơi này có 15.129 người đến nạo phá thai. Độ tuổi 18-25 có 3.922 ca. Sáu tháng đầu năm 2017 có 7.143 phụ nữ đến phá thai, độ tuổi 18-25 chiếm 1.646 ca. Trung bình một ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 60-70 ca.

Vì vậy Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam vào danh sách 5 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới và dẫn đầu châu Á.

Mỗi phút có 38 ca phá thai không an toàn, cứ 8 phút lại có một bà bầu chết vì phá thai không an toàn

Theo ông Đinh Anh Tuấn – Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em Bộ Y tế, mỗi năm trên thế giới có khoảng 85 triệu ca có thai ngoài ý muốn và 42 triệu ca kết thúc bằng phá thai trong đó có tới 20-22 triệu ca phá thai không an toàn (98% ở các nước đang phát triển, 10,5 triệu ca ở châu Á). 13% số ca tử vong mẹ là do phá thai không an toàn (tương đương 47.000 ca tử vong mẹ).

Mỗi phút có 38 ca phá thai không an toàn, 8 phút lại có 01 ca chết mẹ do phá thai không an toàn.

Không những thế, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 5 triệu phụ nữ tàn tật do các biến chứng của phá thai không an toàn. 

 Mỗi phút có 38 ca phá thai không an toàn, cứ 8 phút lại có một bà bầu chết vì phá thai không an toàn

Cụ thể: ở Mỹ có tỷ lệ tử vong do tai biến do phá thai là 0.6 tức là chưa đến 1 trường hợp tử vong /100.000 ca phá thai thì ở các nước đang phát triển thì tỷ lệ này là 220/ 100.000 (cao gấp 350 lần so với Mỹ). Thậm chí có những vùng như Tây Sahara ở Châu Phi là 460/100.000.

Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân của việc có thai ngoài ý muốn là do hơn 55% trong đó không áp dụng biện pháp tránh thai, tuy nhiên cũng có nguyên nhân nhu cầu không được đáp ứng (cung cấp BPTT, không tiếp cận được dịch vụ). Một tỉ lệ lớn (gần 40%) trong đó là thất bại khi dùng BPTT.

Các biến chứng trong khi mang thai và sinh đẻ là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở phụ nữ từ 15 – 19 tuổi, và những đứa trẻ được sinh ra bởi những bà mẹ tuổi vị thành niên cũng thường gặp nhiều rủi ro về sức khỏe hơn các trẻ em khác.

8 triệu ca phá thai trên giới được xử lý với biện pháp không an toàn

Theo nhóm nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Viện Guttmacher, từ 2010 đến 2014, thế giới có 55,7 triệu ca phá thai. Tuy nhiên, 17,1 triệu ca phá thai không an toàn, do phụ nữ tự uống thuốc hoặc người hỗ trợ đã qua đào tạo dùng các biện pháp không còn được xem là tốt nhất. 8 triệu ca phá thai được xem là "kém an toàn nhất" do sử dụng các phương pháp nguy hiểm và liều mạng để tự sảy thai.

Châu Phi là nơi có số ca phá thai không an toàn cao nhất thế giới. Tại châu lục này, chỉ có 1/4 số ca an toàn, nhiều trường hợp bị tử vong trong khi phá thai.

 Biểu đồ tỷ lệ về mức độ an toàn của các ca nạo phá thai

Trong đó, số ca tử vong cao nhất do nạo phá thai tại Tây và Trung Phi ở mức 450/100.000 ca. Nhóm nghiên cứu nhận thấy tỷ lệ phụ nữ tại khu vực này có thể tử vong vì các biến chứng cao do dùng phương pháp phá thai nguy hiểm.

Bắc Âu và Bắc Mỹ có rất ít ca phá thai. Nguyên nhân được cho là nhờ các quốc gia ở khu vực này áp dụng luật hạn chế phá thai, đa số phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai, nền kinh tế và mức độ bình đẳng giới ở mức cao, hạ tầng y tế tốt.

Hương Mi (t/h)