Mùa hái "lộc trời" giữa đại ngàn Tây Nguyên

Dãy núi Cư Yang Sin hùng vĩ từ huyện M'Drắk kéo dài qua Krông Bông tới tận Lắk (Đắk Lắk) là nơi cây đót mọc xanh tốt um tùm. Tháng 3, đót trổ bông khắp đại ngàn, cũng là mùa người dân nô nức đi hái "lộc trời".

Núi Cư Yang Sin - nơi có nhiều cây đót, hằng năm mang  bông - "lộc trời" đến cho người dân ở tỉnh Đắk Lắk. 
Đót là loại cây cỏ dại mọc trên các triền núi, lưng đồi. Mỗi năm cây đót nở đúng một lần, thường vào đầu Xuân. Người dân hái bông đót về làm nguyên liệu kết chổi quét.
Người dân huyện xã Cư Pui (huyện Krông Bông) băng rừng, lội suối, vượt qua nhiều con đường nhỏ ngoằn ngoèo để tìm đến khu vực có đót. 
Anh Lù Xuân Dùng (45 tuổi, trú thôn Ea Bar, xã Cư Pui) cho biết:" Để có được những cây đót như ý, anh phải thức dậy từ sáng sớm.  Vào rừng lấy đót thật vất vả nhưng người dân núi rừng luôn xem đây là 'lộc trời' ban tặng. Nếu siêng năng, chăm chỉ, cộng thêm may mắn thì một người có thể thu nhập khoảng 50 - 60 kg đót tươi/ngày, thậm chí có người hái được cả tạ đót. Bán với giá khoảng 6.500 đồng/kg đót tươi, 20.000 - 21.000 đồng/kg đót khô, mỗi người có thể kiếm được hơn 300.000 đồng/ngày" 
Để hái được bông đót, người dân phải dậy từ lúc gà gáy, chuẩn bị thức ăn, nước uống, những dụng cụ cần thiết (dao rựa, bao tay, dây buộc) và ít dầu gió để phòng côn trùng đốt.  
 Mùa đót thường kéo dài khoảng 3 tháng, trong thời gian này không chỉ người đi hái đót có thu nhập mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương đi phơi đót thuê với giá từ 150.000 - 200.000 đồng/người/ngày. Sau mỗi vụ đót, người kiếm được ít thì cũng vài ba triệu đồng, còn người nhiều thì cũng được chục triệu đồng. 
Đót sau khi hái về thì đem phơi khô. Công việc này cần nhiều sức lực nên người lớn, trẻ em đều làm được. 
Một mùa hái "lộc trời'' trúng mùa, trúng giá thì không còn nỗi lo thiếu đói trong mùa "giáp hạt". Bám vào những cánh rừng già, lần theo triền núi, lưng đồi, người Tây Nguyên chăm chỉ đủ có một mùa ấm no với đót.

Thanh Hải - Phúc Vinh

Tags: