Giảm dần chi phí khám chữa bệnh từ tiền túi người dân

Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết tại buổi lễ mít tinh Ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam (1-7) do Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 26-6 tại Hà Nội. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, Bảo hiểm Y tế (BHYT) là một chính sách an sinh xã hội có tác động rất lớn đối với cuộc sống của người dân, góp phần tích cực trong việc xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Kể từ năm 2008 khi Luật BHYT được ban hành, số lượng người tham gia BHYT đã không ngừng tăng nhanh, cùng với đó các chính sách về BHYT và khám chữa bệnh cho người dân ngày càng được mở rộng và nâng cao. Cho tới nay cả nước đã có trên 61 triệu người dân tham gia BHYT.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện chính sách BHYT cũng đã bộc lộ nhiều bất cập và cả sai phạm. Trong đó nổi lên là ý thức tham gia BHYT, tính tuân thủ pháp luật BHYT của một bộ phận người dân vẫn chưa cao, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân còn thấp chỉ đạt 55% và còn nhiều đơn vị trốn đóng BHYT của người lao động. Quy định về điều kiện tham gia BHYT tự nguyện chưa hợp lý dẫn đến tình trạng lựa chọn ngược khi tham gia BHYT, nhiều người chỉ khi mắc bệnh mới tham gia BHYT làm giảm tính chia sẻ cộng đồng của người dân và tạo thêm gánh nặng cho Quỹ BHYT. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thẳng thắn chỉ rõ, đối với nhiều cơ sở khám chữa bệnh BHYT vẫn còn gây phiền hà đối với người bệnh, chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng. Cơ chế quản lý thuốc chữa bệnh chưa đạt hiệu quả, việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế còn phân tán, khó kiểm soát. Đặc biệt, tình trạng lạm gian lận, lạm dụng và trục lợi Quỹ BHYT vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu thực hiện chính sách BHYT, nhất là khi Luật BHYT vừa được Quốc hội sửa đổi bổ sung.

Theo đó, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam và các cơ quan chức năng tập trung nâng cao tỷ lệ bao phủ của BHYT trong dân số. Tăng cường hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh, cải tiến thủ tục hành chính liên quan tới khám chữa bệnh và BHYT. Đặc biệt giảm dần chi phí mà người dân phải bỏ tiền túi khi đi khám chữa bệnh BHYT, trong đó sẽ tiến hành thành lập Hội đồng độc lập với Bộ Y tế để xây dựng danh mục thuốc BHYT, gói giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT với mục tiêu đặt quyền lợi của người dân và người tham gia BHYT cao nhất.

 Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến  kêu gọi toàn xã hội tích cực tham gia để thực hiện được lộ trình BHYT toàn dân và kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà bảo tâm hỗ trợ 30% kinh phí tham gia BHYT cho hộ cận nghèo và những hộ diêm dân, nông dân khó khăn cũng như những đối tượng khó khăn khác mà Nhà nước chưa kịp giúp đỡ.

Đến nay cả nước đã có trên 2.100 bệnh viện, trong đó 424 cơ sở y tế ngoài công lập tham gia khám chữa bệnh BHYT. Ngoài ra còn có trên 9.500 trạm y tế ở tuyến xã, phường tham gia khám chữa bệnh BHYT, chiếm trên 86% số trạm y tế trên toàn quốc. Trong năm 2013, quỹ BHYT đã chi trả cho trên 131 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT với số chi trên 42.000 tỷ đồng, trong đó có hàng chục triệu người nghèo, người có công với nước, người mắc bệnh hiểm nghèo.