Ngày 16/1: Không còn vùng đỏ, cả nước có 33/63 tỉnh, thành về vùng xanh

(SHTT) - Theo thống kê của Bộ Y tế ngày 16/1, trên toàn quốc có 33 tỉnh thành đạt tiêu chí vùng xanh trên quy mô toàn tỉnh, không còn địa phương nào là vùng đỏ. Số địa phương vùng cam chỉ còn 7 tỉnh thành và 23 tỉnh vùng vàng.

Theo đó, miền Bắc có 18 tỉnh, thành vùng xanh (dịch bệnh cấp độ 1), gồm: Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nam, Hải Dương, Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Điện Biên, Thái Bình.

Miền Trung có 6 tỉnh xanh, gồm: Bình Thuận, Nghệ An, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam.

Phía Nam có 8 tỉnh, thành xanh: An Giang, Bình Dương, TP HCM, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp. Tây Nguyên có duy nhất tỉnh Kon Tum ở cấp độ 1.

Ảnh minh họa.

23 tỉnh, thành vùng vàng (cấp 2) trên cả nước gồm: Bà Rịa Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Gia Lai, Hòa Bình, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Nam Định, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Sóc Trăng, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai.

7 tỉnh, thành vùng cam (cấp 3) là: Bình Phước, Bình Định, Hải Phòng, Hậu Giang, Thừa Thiên Huế, Tây Ninh, Vĩnh Long.

Cả nước hiện không có tỉnh, thành vùng đỏ trên quy mô toàn tỉnh. Trong số 10.599 đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước, có hơn 6.700 xã vùng xanh; hơn 2.500 xã vùng vàng; 1.100 xã vùng cam; 125 xã vùng đỏ.

Cấp độ dịch bệnh các quận, huyện tại Hà Nội, ngày 14/1. Ảnh: VnExpress.

Vùng xanh tập trung nhiều ở khu vực miền Bắc. Riêng Hà Nội và một số địa phương xung quanh màu vàng; Hải Phòng chủ yếu màu cam. Bắc Trung Bộ chủ yếu màu xanh, riêng tỉnh Thanh Hóa đa số là màu vàng.

Nam Trung Bộ màu xanh là chủ đạo, nhưng xen lẫn một số nơi màu cam, vàng. Điểm nổi bật là Thừa Thiên Huế chủ yếu màu cam; Đà Nẵng chủ yếu màu vàng.

Khu vực Tây Nguyên chủ yếu màu vàng, cam xen lẫn màu xanh ít hơn. Các tỉnh phía Nam vẫn xen lẫn ba màu xanh, vàng, cam, nhưng màu xanh đã nhiều hơn.

So với hồi cuối tháng 10/2021, khi cả nước bắt đầu thực hiện chủ trương thích ứng an toàn Covid-19, số tỉnh vùng xanh đã tăng thêm 7. Tuy nhiên, tỉnh vàng giảm đi và xuất hiện thêm các tỉnh vùng cam.

Theo quy định của Chính phủ, các địa bàn vùng xanh sẽ được mở cửa các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, sự kiện trong nhà và ngoài trời không hạn chế số người. Những lĩnh vực được hoạt động gồm: Vận tải công cộng đường bộ, đường thủy, hàng hải; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; nhà hàng, quán ăn, chợ truyền thống; các cơ quan, công sở; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, điểm tham quan du lịch; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao...

Như vậy, dựa theo cấp độ dịch bệnh nêu trên, nhìn chung các hoạt động dịch vụ ở nhiều địa phương đã được nới lỏng hơn.

Hiện các địa phương đánh giá cấp độ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, dựa trên ba tiêu chí là: số ca nhiễm cộng đồng/100.000 dân/tuần; tỷ lệ tiêm vaccine; năng lực y tế.

Thời gian gần đây, số ca nhiễm trên cả nước có xu hướng tăng lên. Đơn cử như ngày 15/1, Bộ Y tế công bố cả nước ghi nhận hơn 16.000 ca nhiễm mới. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước một tuần qua là gần 16.000 ca mỗi ngày. 

Nhiều ngày qua số ca mắc mới ở Hà Nội tiệm cận 3.000 ca/ngày và phân bố ở tất cả 30 quận, huyện. Hiện thành phố không còn quận, huyện vùng xanh.

Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá cấp độ dịch bệnh mới, trong đó chỉ chú trọng ca bệnh nặng nhập viện và ca tử vong.

Quỳnh Anh