Thương hiệu Việt và nguy cơ bị loại khỏi thị trường vì hàng giả

(SHTT) - Hàng giả, hàng nhái hiện nay vẫn là thực trạng phổ biến, gây ra nhiều hệ lụy. Điều này khiến các doanh nghiệp Việt bức xúc vì khó lòng xây dựng được thương hiệu uy tín và hoạt động lâu dài nếu không sớm có biện pháp xử lý.

Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Tìm giải pháp chống hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng” vừa qua, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, doanh nghiệp vô cùng âu lo khi hàng giả xuất hiện trên tràn lan các trang mạng, từ trên những sàn thương mại điện tử có tên tuổi, lẫn các điểm bán phân tán trên các nền tảng như Facebook hay Zalo…

Thực tế, đây không phải là vấn đề mới, mà từ bấy lâu nay đã trở thành vấn nạn, dù lực lượng chức năng đã quyết liệt vào cuộc, thế nhưng, vấn nạn này vẫn diễn biến vô cùng phức tạp và không có dấu hiệu "hạ nhiệt".

 Thương hiệu Việt và nguy cơ bị loại khỏi thị trường vì hàng giả

Bà Hạnh cho biết, có 3 yếu tố mới khiến doanh nghiệp nội đang rất lo lắng, đó là dù đang mùa cao điểm mua sắm nhưng sức mua trên thị trường giảm rõ rệt. Ngay cả siêu thị đông khách nhất là BigC có những lúc rất vắng khách, dù gần đến Noel nhưng sức mua không tăng. Thứ hai là sức mua giảm, triển vọng thị trường bất định. Thứ ba là do tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tap, nhiều địa phương vẫn khoanh vùng thực hiện giãn cách, nên kinh doanh trên mạng bùng nổ. Lợi dụng điều này, nhiều cá nhân, tổ chức đã kinh doanh hàng giả, hàng nhái thương hiệu sản phẩm trong nước.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hùng Anh - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cũng thẳng thắn, năm 2021, tình hình buôn lậu, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên cả nước không có chiều hướng giảm.

Theo ông Hùng Anh, những mặt hàng, sản phẩm làm giả, buôn lậu nhức nhối như găng tay y tế, khẩu trang và các loại thuốc, vật tư y tế dùng để phòng chống COVID-19, hàng tiêu dùng, thực phẩm, thực phẩm chức năng, tân dược, đông dược; các mặt hàng thời trang giả các nhãn hiệu nổi tiếng như quần áo, giày dép, túi ví, valy, đồng hồ đeo tay; các mặt hàng bách hóa, điện, điện tử đồ gia dụng, máy móc thiết bị, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Với các địa bàn được cho là trọng điểm gồm: Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng các khu vực thuộc cửa khẩu như cửa khẩu Cầu Treo tại Hà Tĩnh, cửa khẩu Lao Bảo tại Quảng Trị, các tỉnh thuộc tuyến biên giới Tây Nam, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Để ngăn chặn giảm thiểu tình trạng hàng giả hàng nhái, Tổng cục Quản lý thị trường đã xây dựng kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận hàng giả đặc biệt dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán 2022. Đặc biệt, sẽ tăng cường thanh kiểm tra công vụ, phát hiện những cán bộ tiếp tay, làm ngơ cho hành vi vi phạm pháp luật.

Minh Vân