Từ cải cách kỳ thi tốt nghiệp THPT - Hạn chế dạy và học theo lối mòn

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 đã khép lại. Dư âm đổi mới đã tạo sự hưng phấn cho cả người học lẫn người dạy. Từ bước đệm đổi mới cách ra đề theo hướng mở, gắn với thực tiễn sinh động, ngành giáo dục - đào tạo sẽ tiếp tục đổi mới cách dạy và học như thế nào để rũ bỏ hoàn toàn lối mòn-học vẹt, làm bài theo khuôn mẫu?

“Cởi trói” cách dạy

Sau khi thi môn Văn, nhiều thí sinh bất ngờ vì “trật tủ”, hầu như không ôn vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt”. Thế nhưng, với cách ra đề mở, nếu có kiến thức nền vững, chịu khó đọc sách báo, cập nhật thông tin về đời sống xã hội thì thí sinh dù không thuộc tác phẩm vẫn có thể làm bài đạt yêu cầu tối thiểu. Theo giáo viên dạy môn Ngữ văn ở các trường THPT, hướng ra đề mở ở hai phần đọc hiểu và làm văn của đề thi năm nay đã thực sự “cởi trói” cách dạy - học văn theo lối mòn, làm bài theo văn mẫu. Tương tự, các môn khác như Sử, Địa cũng khiến học sinh hào hứng làm bài, thể hiện sự sáng tạo, thoát khỏi vòng kim cô phải thuộc bài, nhớ số liệu, sự kiện. Đặc biệt, môn ngoại ngữ, nhất là Anh văn đã thể hiện sự đổi mới, đánh giá thêm kỹ năng viết của học sinh. Điều này không gây “sốc” đối với học sinh TPHCM - địa phương có thế mạnh về năng lực ngoại ngữ. Thế nhưng, môn học quan trọng - chìa khóa mở cánh cửa hội nhập thế giới này lại khiến nhiều học sinh ở các địa phương trên cả nước né tránh, không dám chọn thi.

Thực tế này báo động thực trạng dạy và học tiếng Anh theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 còn nhiều bất cập, trong đó việc chuẩn hóa năng lực của đội ngũ giáo viên, tạo môi trường thực hành giao tiếp cho học sinh phải đặt lên hàng đầu. Theo các chuyên gia giáo dục, ngoài kiến thức, nếu không được trang bị hành trang ngoại ngữ tiếng Anh chuẩn thì cơ hội tìm việc làm, cạnh tranh trong môi trường lao động quốc tế của lao động trẻ sẽ bị hạn chế rất nhiều.

Dạy thêm có giảm?

Theo nhiều giáo viên, đề thi tốt nghiệp năm nay hay, sát chương trình, mang tính tích hợp kiến thức và thể hiện sự phân hóa khá cao. Đó là trong các đề thi môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, có một số câu hơi khó và chỉ học sinh có học lực giỏi, vững kiến thức mới làm trọn vẹn, đạt điểm tối đa. Khảo sát bỏ túi cho thấy, trong số học sinh lớp 12  học lực khá, giỏi thì có đến 99% đi học thêm ở các lò ôn luyện nhỏ lẻ đến qui mô. Nhờ được luyện đề khó và làm quen với các dạng bài khó nên những thí sinh này dễ dàng làm bài và tự tin với kết quả điểm số cao. 

Như thế chúng ta cần nhiều học sinh giỏi, tỷ lệ thi tốt nghiệp đạt loại khá, giỏi cao hay phân định, đánh giá đúng thực chất đào tạo, năng lực người học cùng kỹ năng linh hoạt, giải quyết những vấn đề đặt ra của cuộc sống? 

Để xích lại gần hơn với nền giáo dục tiên tiến của thế giới, đào tạo ra những sản phẩm nhân lực thế kỷ 21 là thực học, thực hành, biết làm việc thì phải đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp dạy - học. Từ bước đột phá trong thi tốt nghiệp năm nay, từng trường học phải chủ động đổi mới phương pháp truyền thụ kiến thức, tăng thời gian thực hành, ứng dụng những điều đã học vào thực tế. Đồng tình với nhận định này, thầy Nguyễn Duật Tu, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Thời Nhiệm, nói: “Từ hướng mở trong ra đề thi tốt nghiệp năm nay, nhà trường càng phải chú trọng cách dạy - học nhằm phát triển tư duy, sự sáng tạo của học trò. Khi học trò nắm vững kiến thức, biết cách tự học và không lo sợ chuyện thi cử đánh đố như trước đây thì áp lực phải học thêm sẽ giảm theo”.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cũng cho rằng: “Sau tín hiệu đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT, chắc chắn tư duy thi gì học nấy sẽ tác động đến giáo viên, học sinh. Từ những bước đi chủ động đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, TPHCM tiếp tục đổi mới phương pháp dạy - học theo hướng phát triển năng lực cá nhân, trang bị cho học sinh tư duy, phán đoán độc lập, biết cách giải quyết những vấn đề mà cuộc sống đặt ra”.