Samsung, LG VN bị kiện chống bán phá giá tại Mỹ

(SHTT) - Whirlpool cho rằng Samsung và LG đã dùng “mánh khóe” để bán máy giặt với giá thấp. Chẳng hạn như các công ty này đã chuyển cứ điểm sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, Thái Lan để làm giảm đơn giá và tránh thuế mà Mỹ áp dụng với Trung Quốc.

Samsung, LG VN bị kiện chống bán phá giá tại Mỹ 

Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ vừa khởi xướng điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ với máy giặt nhập khẩu vào Mỹ. Nếu bị áp dụng thuế tự vệ, máy giặt của Samsung và LG Việt Nam có thể gặp khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Được biết, nguyên đơn khởi kiện là Tập đoàn Whirlpool (Mỹ). Theo đó, Whirlpool đã cáo buộc các sản phẩm máy giặt nhập khẩu vào Mỹ đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2012 - 2016, từ 1,6 triệu chiếc lên 3,21 triệu chiếc. Điều này gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất máy giặt của Mỹ.

Whirlpool cũng chính thức cho rằng Samsung và LG đã dùng “mánh khóe” để bán máy giặt với giá thấp. Chẳng hạn như các công ty này đã chuyển cứ điểm sản xuất từ Trung Quốc sang VN, Thái Lan để làm giảm đơn giá và tránh thuế mà Mỹ áp dụng với Trung Quốc.

Theo một lãnh đạo vụ chuyên môn của Bộ Kế hoạch và đầu tư, Samsung năm 2014 đã đầu tư 2 tỉ USD để hình thành một tổ hợp sản xuất đồ gia dụng như tivi, điều hòa, máy giặt... tại Khu công nghệ cao TP.HCM.

Tháng 2/2016, tổ hợp này đã chính thức đi vào sản xuất. Trong đó, dây chuyền sản xuất máy giặt được xuất khẩu sang thị trường Mỹ - đối tượng bị khởi kiện - hiện có khoảng 1.400 lao động VN. Dự kiến 1 triệu sản phẩm máy giặt từ đây sẽ được xuất khẩu sang Mỹ năm 2017.

Vì vậy, nếu sản phẩm máy giặt mang thương hiệu “Made in VN” bị áp mức thuế đặc biệt với thuế suất cao hoặc bị áp dụng hạn ngạch, theo vị lãnh đạo vụ chức năng Bộ Kế hoạch và đầu tư, việc xuất khẩu máy giặt của Samsung, LG sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới chỉ tiêu xuất khẩu của VN mà còn ít nhiều tác động tới tăng trưởng, việc làm của TP.HCM cũng như cả nước.

Trước đó, vào đầu năm 2017, Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm máy giặt xuất xứ từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Mức thuế được áp ở mức rất nặng, lên tới 32,1 đến 52,5%, kéo dài trong 5 năm. Quyết định này được đưa ra sau đơn khởi kiện cũng của Tập đoàn Whirlpool và cuộc điều tra kéo dài hơn một năm của Bộ Thương mại Mỹ.

Tháng 4/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký hai sắc lệnh thương mại về chống bán phá giá và điều tra nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ, đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và các đối tác nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Hai sắc lệnh này đòi hỏi giới chức Mỹ phải hoàn tất một bản phân tích nghiên cứu nguyên nhân gây nên mất cân bằng thương mại với từng quốc gia và từng loại sản phẩm cụ thể . Báo cáo phải đưa ra trong 90 ngày, tập trung vào 15 nước mà Mỹ có thâm hụt thương mại hàng hóa lớn năm 2016, bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Mexico, Ireland, Việt Nam, Italia, Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Pháp, Thụy Sỹ, Indonesia, Canada, cộng thêm Đài Loan. 

PV