48 năm Đặc công Rừng Sác

Chiến tranh đã đi qua, những cánh rừng ngập mặn của quê hương Rừng Sác cùng với những dòng sông nơi chiến khu xưa giờ đây đã phủ một màu xanh đẹp.

Như đã thành một mệnh lệnh không lời, mỗi năm cứ đến giữa tháng 4, mọi người lại nhớ đến ngày họp mặt truyền thống của đơn vị - Đoàn 10 Đặc công nước, hay còn gọi là Đặc công Rừng Sác (thành lập ngày 15-4-1966). Nhiều người đã thuộc hàng xưa nay hiếm lắm rồi. Già cả vậy mà có người không kìm được nước mắt, ôm chầm lấy nhau rưng rưng như thuở trai trẻ chia tay trước giờ xung trận.

48 năm, gặp lại nhau, vui, buồn lẫn lộn. Vui vì còn nhìn thấy mặt nhau, còn buồn thì mênh mang vô tận. Đó là, hàng trăm đồng đội đến nay vẫn vô danh, âm thầm lặng lẽ dưới những dòng sông. 

Chỉ qua 9 năm bám trụ kiên cường chiến đấu ở vùng ven sông nước phía Đông Sài Gòn gắn với những địa danh như Nhà Bè, Nhơn Trạch, Rừng Sác, Long Thành, cả ngàn con người của hơn 30 tỉnh, thành hội tụ về đây làm nên một bảng vàng chiến công chói lọi: Đặc công Rừng Sác anh hùng. Nhưng rồi, phía sau niềm tự hào to lớn đó đã đổi bằng sinh mạng của 683 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có hơn 500 người vĩnh viễn nằm lại dưới những lòng sông.

Từ khi ra đời đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30-4-1975, Đoàn 10 - Đặc công nước đã đánh 595 trận lớn nhỏ, trong đó có những trận đánh nổi tiếng như 2 lần đột nhập kho bom Thành Tuy Hạ, phá hủy hơn 100.000 tấn bom đạn; trận tập kích kho xăng Nhà Bè thiêu hủy 250 triệu lít xăng dầu; 70 lần pháo kích làm cháy hàng chục triệu lít xăng dầu, phá hủy nhiều kho tàng, doanh trại, mục tiêu trọng yếu của địch ở Sài Gòn như Dinh Độc Lập, tòa đại sứ Mỹ, Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy; loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 tên địch; đánh chìm và cháy 356 tàu thuyền chiến đấu, đánh đắm 13 tàu vận tải, bắn cháy 145 tàu khác; bắn rơi 29 máy bay trực thăng...

Nếm mật nằm gai, gần 10 năm sống cùng sông nước, vừa xây dựng lực lượng vừa chiến đấu, cán bộ chiến sĩ Đoàn 10 đã vượt qua muôn trùng gian khổ. Phần lớn anh em phải ăn rau rừng thay cơm, chia nhau từng lon nước ngọt, từng viên đạn, nhường nhau từng viên thuốc khi ốm đau. Nhiều lần kẻ thù càn quét bao vây, cắt đường tiếp tế, đơn vị phải nuôi thương binh tại chỗ dưới hầm nước nửa nổi nửa chìm và nếu có ai đó hy sinh, tìm được một nơi khô ráo để chôn cất không phải dễ dàng. Đói khát, bệnh tật, bom đạn… đã làm cho nhiều chiến sĩ Đoàn 10 ngã xuống.

Gian nan vất vả là vậy, nhưng những thủy binh Đoàn 10 và đồng bào rừng Sác vẫn vững niềm tin theo cách mạng. Đúng như lời cố Thiếu tướng Lương Văn Nho, nguyên Đoàn trưởng, kiêm Chính ủy đầu tiên của Đặc khu quân sự rừng Sác: “Người rừng Sác lam lũ với củi, than, với cá tôm trên sông nước. Nghèo mà phóng khoáng, hào hiệp, có thủy có chung, giàu lòng yêu nước, gan lì trong sóng to gió lớn và trong đối mặt với kẻ thù”.

Với thành tích vẻ vang trong chiến đấu, ngày 23-9-1973, Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó tập thể Đội 5 (2 lần) và 6 cá nhân được tuyên dương anh hùng cùng với hàng trăm cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng huân, huy chương chiến công các hạng.

Những kỷ niệm buồn vui, gian khổ trong chiến tranh cứ như một huyền thoại trong ký ức của mỗi người. Hàng năm cứ đến ngày 1-9, những cựu binh cùng vợ chồng, con cháu, lớp trước lớp sau lại cùng nhau tề tựu về đền thờ liệt sĩ Nhơn Trạch dự lễ giỗ các anh hùng liệt sĩ trong đơn vị. Họ thắp những nhánh hương thơm, chọn những bông hoa tươi nhất dâng lên người đã khuất, tri nghĩa tri ân, khắc cốt ghi tâm nhớ về đồng đội.