Giúp nhau giữa biển

Trước nhu cầu của đơn vị và mong muốn có thêm thời gian phục vụ, hỗ trợ miễn phí ngư dân trên biển, thượng úy Phạm Đức Long, nhân viên kỹ thuật đảo Nam Yết, đã tình nguyện xin ở lại đảo 6 tháng nữa, dù đợt công tác của anh theo kế hoạch đã hết.

Nỗi nhớ vợ con đang ở Cam Ranh (Khánh Hòa) như sóng vỗ bờ. Hàng ngày, người cán bộ ấy giấu nỗi nhớ vào trong công việc, lấy niềm vui của đồng đội, của bà con ngư dân làm niềm vui của chính mình.

Nói về cấp dưới, thiếu tá Bùi Ngọc Báu, Trưởng ban Kỹ thuật đảo Nam Yết, tự hào, anh Long cùng đồng đội trên đảo đã nhiều lần trợ giúp bà con ngư dân. Vừa rồi, tàu cá QNg 90106 TS bị gãy chân vịt, đảo cấp miễn phí chân vịt (trị giá khoảng 10 triệu đồng), anh Long đã “độ” lại các ốc, lắp chắc chắn chân vịt cho bà con.

Anh Long cho biết, ngư dân đánh bắt trên biển trong khu vực đảo quản lý, nếu gặp khó khăn, thiếu thốn gì, về lương thực thực phẩm, nước ngọt, thiếu dầu nhớt, hư hỏng máy móc… đều ghé đảo để được cán bộ - chiến sĩ giúp đỡ. Tuy nhiên, do xa xôi cách trở, cũng có khi việc giúp đỡ ngư dân lại chưa được như ý muốn. Có tàu hỏng quá nặng như tàu của ông Năm (quê Quảng Ngãi), anh chỉ sửa chữa được sơ sơ, bởi trên tàu và ở đảo còn thiếu dụng cụ, phụ tùng thay thế để khắc phục triệt để các lỗi.

“Lúc đó, ngày 25-3, mình chỉ muốn khóc cùng bà con, giữa biển khơi mênh mông, mà gặp hoạn nạn”, anh Long chia sẻ. Người lính Trường Sa rắn rỏi là thế, nhưng trước hoạn nạn của đồng bào, anh phải rất cố gắng mới kìm nổi niềm xúc động, nỗi xót xa.

Từng nhiều lần trợ giúp bà con, thượng úy Long cho biết, thiếu thợ máy có trình độ; thiếu thốn dụng cụ, phụ tùng dự phòng là “lỗi” chung của nhiều tàu cá. Bà con hoạt động trên biển chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của thợ máy, song nhiều khi thiếu người, các tàu cá sử dụng cả thợ máy thiếu kinh nghiệm.

Trường hợp tàu cá của ông Năm, khi phát hiện tàu có trục trặc, nếu tàu hoạt động cầm chừng, di chuyển về đảo Nam Yết, đề nghị cán bộ - chiến sĩ trên đảo hỗ trợ thì sẽ khả quan hơn. Đằng này, tàu vẫn cố hoạt động cho đến khi gãy… cả 6 lò xo, máy khởi động không nổ được nữa mới dắt về đảo.

Thượng úy Phạm Đức Long chỉ mong ngư dân ra biển cần chuẩn bị chu đáo hơn và nếu gặp khó, cần yêu cầu cán bộ - chiến sĩ trợ giúp kịp thời. “Hạnh phúc của người lính Trường Sa là thấy ngư dân, giúp ngư dân yên tâm đánh bắt và làm chủ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc”, thượng úy Long chia sẻ.