Không gỡ nội dung vi phạm, Google có thể nhận án phạt 'khủng' tại Nga

(SHTT) - Cơ quan giám sát thông tin Roskomnadzor mới đây cho biết, theo thông báo mới từ Moscow, hãng công nghệ Google có thể đối mặt với khoảng phạt trị giá 20% doanh thu hằng năm tại Nga ngay trong tháng 10/2021 do không xóa bỏ nội dung bị coi là bất hợp pháp.

Cụ thể, theo Roskomnadzor, Google đã liên tục không gỡ bỏ nội dung bị cấm tại Nga và bị lĩnh án phạt 32,5 triệu rub (458.100 USD). Tuy nhiên, Google cho tới nay vẫn chưa nộp số tiền phạt này. Do đó, Mosow sẽ áp mức phạt từ 5-20% doanh thu tại Nga của Google.

Cơ sở dữ liệu kinh doanh của SPARK cho thấy doanh thu của Google tại Nga vào năm 2020 là 85,5 tỷ rub (1,2 tỷ USD). Theo đó, Khoản tiền phạt 5-20% mà Google phải nộp có thể vào khoảng từ 4,3 - 17,1 tỷ rub (60,5-240 triệu USD).

Hiện Google vẫn chưa có động thái trả lời thông tin này.

 

Vào tháng đầu tháng 10 vừa qua, Roskomnadzor cũng đưa ra cảnh báo tương tự đối với Facebook của Mỹ do tiếp tục không tuân thủ quy định của nhà chức trách Nga về việc xóa những nội dung bị cấm. Mức phạt đối với mạng xã hội này có thể lên tới 10% doanh thu hằng năm của hãng này tại Nga dựa trên đạo luật được Tổng thống Vladimir Putin ký vào tháng 12/2020.

Được biết trong năm 2021, Roskomnadzor đã nhiều lần phạt Facebook vì không xóa nội dung bị cấm tại Nga với số tiền lên đến 43 triệu ruble (606.000 USD). Tuy nhiên, tương tự như Google, ban lãnh đạo Facebook chưa nộp số tiền phạt này.

Hãng tin Vedomosti dẫn nguồn tin từ các chuyên gia cho rằng doanh thu hằng năm của Facebook tại Nga đạt khoảng 12 tỷ ruble (165 triệu USD), 10% doanh thu tương đương 16,5 triệu USD.

Trong những tháng gần đây Nga đã có loạt biện pháp cứng rắn đối với các công ty công nghệ nước ngoài vì không xóa nội dung bị cấm, gồm tài liệu khiêu dâm hoặc đăng tải nội dung bị xem là cực đoan hoặc khuyến khích sử dụng ma túy và hành vi tự sát.

Ngoài Facebook và Google, các mạng xã hội Mỹ có ảnh hưởng khác như Twitter và WhatsApp trong thời gian qua cũng liên tục dính án phạt vì từ chối lưu trữ dữ liệu cá nhân của người dùng Nga trong các cơ sở dữ liệu trên lãnh thổ Nga.

Twitter hồi tháng 4 thậm chí còn bị giảm tốc độ đường truyền tại Nga do dịch vụ này không xóa nội dung bị cấm tại nước này.

Nga hiện đang xem xét luật quy định các công ty công nghệ nước ngoài phải mở văn phòng đại diện tại nước này, trong đó có Facebook, Instagram, TikTok, Twitter, YouTube, Gmail, Google, Amazon.

Google hiện đang đấu tranh chống lại phán quyết của tòa án yêu cầu công ty bỏ chặn tài khoản YouTube của một doanh nhân Nga bị trừng phạt, hoặc phải đối mặt với khoản tiền phạt kép tính trên tổng doanh thu của hãng, và nó sẽ tăng gấp đôi mỗi tuần. 

Thái An