Thừa Thiên Huế: Triệt phá cơ sở sản xuất số lượng lớn bột ngọt giả nhãn hiệu nổi tiếng

(SHTT) - Phòng CSKT Công an tỉnh TT-Huế cho biết, đơn vị vừa phát hiện, bắt giữ 2 đối tượng có hành vi sản xuất bột ngọt giả nhãn hiệu nổi tiếng, tại phường Hương Sơ, TP Huế.

Cụ thể, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết đơn vị đã tạm giữ Trần Đình Thắng (36 tuổi, ở đường Nguyễn Văn Linh, TP Huế) và Phan Thị Mỹ Linh (37 tuổi, vợ của Thắng) để làm rõ hành vi sản xuất bột ngọt giả.

Thông tin ban đầu, từ đầu năm 2020 đến nay, Linh và Thắng mua bột ngọt giá rẻ của Trung Quốc rồi san chiết vào các bao bì được làm giả nhãn hiệu của Ajinomoto và nhãn hiệu Thái Lan, sau đó làm ra các thành phẩm mang tên các nhãn hiệu này để bán ra thị trường kiếm lời.

Thừa Thiên Huế: Triệt phá cơ sở sản xuất số lượng lớn bột ngọt giả nhãn hiệu nổi tiếng 

Tại hiện trường, lực lượng công an thu giữ tang vật gồm 430 gói bột ngọt thành phẩm giả nhãn hiệu Ajinomoto và Thái Lan có trọng lượng 232kg cùng 300kg bột ngọt nguyên liệu có xuất xứ từ Trung Quốc; hơn 1.600 vỏ bao bì nhãn hiệu Ajinomoto và nhãn hiệu Thái Lan cùng nhiều thiết bị để sản xuất hàng giả.

Mở rộng điều tra, công an thu giữ thêm 5.000 vỏ bao bì có nhãn hiệu Thái Lan, gần 500 gói bột ngọt ở các địa chỉ mà vợ chồng Linh đã phân phối.

 

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tiếp tục điều tra làm rõ hành vi dùng bột ngọt giá rẻ của Trung Quốc để đóng gói giả các thương hiệu nói trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

Mới đây, Công an tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết vừa phát hiện nửa tấn mì chính thành phẩm có Miwon và Ajinomoto giả đi tiêu thụ.

Như đã đưa tin trước đó, vào khoảng 16h ngày 11/8, tại xã Bình Dương (huyện Gia Bình, Bắc Ninh), phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh phối hợp Công an huyện Gia Bình kiểm tra, phát hiện Nguyễn Thị Lắm (64 tuổi, ở xã Tân Lãng, huyện Lương Tài, Bắc Ninh) đang vận chuyển 28kg mì chính Miwon và Ajinomoto giả đi tiêu thụ.

Phòng Cảnh sát Kinh tế phối hợp Công an huyện Lương Tài khám xét nhà Nguyễn Thị Lắm thu giữ 2 máy hàn nhiệt, 1 cân loại 2kg, 75kg nguyên liệu mì chính đóng bao, hơn 30kg vỏ bao bì in nhãn hiệu Miwon và Ajinomoto, hơn 1000 túi mì chính thành phẩm có tổng trọng lượng khoảng nửa tấn.

Quá trình đấu tranh, Nguyễn Thị Lắm khai nhận mua nguyên liệu mì chính đóng bao, vỏ bao bì in nhãn hiệu Miwon và Ajinomoto về chia nhỏ tự đóng gói để bán lại kiếm lời.

Cách phân biệt mì chính thật và giả

Có thể phân biệt bằng hai cách:

Cách thứ nhất: Nếu nhìn vào gói mì chính giả sẽ thấy 4 mép của gói mì chính có sự khác biệt nhau. Cụ thể, mép trên của gói mì chính do được dập bằng máy thủ công nên phần mép dập đó thỉnh thoảng vẫn có những nốt nhỏ lấm tấm. Sờ mép dập này có cảm giác cứng cứng, không được mềm mại như ba mép dập còn lại. Trong khi đó, mì chính của công ty sản xuất, 4 mép dập đều như nhau, mềm, mịn, không có những nốt lấm tấm.

Cách thứ hai là nhìn cánh mì chính: Mì chính giả cánh thường sắc, không vuông thành, mì chính thật cánh nhìn vuông góc.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, có một số điểm để nhận biết được hàng thật và hàng giả:

Về quy cách đóng gói: Hàng thật thì các đường hàn ở túi đựng các cạnh phẳng, đều nhau và không nổi bọt; mặt sau dưới đáy bao có in nổi ngày tháng sản xuất, rất rõ nét (6 số). Hàng giả có đường hàn ở 4 cạnh không đều nhau, đục và có nổi bọt; không in hoặc có in ngày tháng sản xuất nhưng không rõ nét, khó đọc.

Cánh mì chính to, sóng đều, không gãy là hàng thật. Cánh không đều, gãy, có nhiều bụi trắng là hàng giả.

Trọng lượng: Đối với hàng thật có trọng lượng tịnh luôn đúng với trọng lượng ghi trên bao bì. Nếu trọng lượng tịnh ít hơn hoặc tương đương với trọng lượng ghi trên bao bì là mì chính giả. Quan trọng là người tiêu dùng cần cẩn thận với các sản phẩm đại hạ giá. Nếu sản phẩm quá rẻ thì nhiều khả năng đó là hàng giả. Bởi đối tượng làm giả không phải mất chi phí cho nghiên cứu, phát triển, quảng bá và kiểm định chất lượng sản phẩm.

Để làm giả, các đối tượng còn sử dụng những nguyên liệu và phương thức sản xuất tiết kiệm nhất nhưng bán sản phẩm với mức giá rẻ "có một không hai".

Vân Mai