Dịch vụ tình dục cho người khuyết tật gây tranh cãi

Một tổ chức phi chính phủ ở Đài Loan (Trung Quốc) đang trở thành tâm điểm của những bình luận trái chiều vì cung cấp cho khách hàng tàn tật của mình dịch vụ hỗ trợ tình dục đặc biệt.

Nhóm mang tên "Hand Angels" (Bàn tay thiên thần), do Vincent, một người đàn ông trung niên bị bại liệt từ nhỏ, sáng lập. Dù Vincent vẫn có thể sử dụng tay của mình, việc trải nghiệm cuộc sống của một người khuyết tật đã giúp ông nhận ra rằng nhiều người khác thì không. Và điều này đồng nghĩa với việc họ cũng không có khả năng đáp ứng các nhu cầu tối thiểu về thể chất và tinh thần của bản thân.

 Dịch vụ tình dục cho người khuyết tật gây tranh cãi

Vincent chia sẻ với đài BBC rằng đó chính là động lực thôi thúc anh lập nhóm tình nguyện viên, chuyên cung cấp các dịch vụ tình dục cho người tàn tật.

Và dù liệu trình phục vụ chỉ kéo dài khoảng 90 phút, từ bước "chạm vào cơ thể một người tới lúc giúp họ đạt cực khoái", Vincent nói rằng nhóm cần tới 6 tháng để lập kế hoạch và làm công tác tư tưởng với người dùng dịch vụ.

Một trong những tình nguyện viên nam của nhóm, Daan, chia sẻ rằng mình đã phải trò chuyện nhiều với một nữ khách hàng tên là Mei Nu. Cô rất lo lắng vì chưa bao giờ khỏa thân trước mặt bất kì ai, trừ người chăm sóc mình.

 "Sau liệu trình, tôi thực sự hài lòng và cảm thấy những gì bản thân không thể có được trước đây giờ đã được toại nguyện, vì vậy tôi rất hạnh phúc" - Mei Nu cho biết sau đó.

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, nhóm cũng phải đối mặt với nhiều chỉ trích, cho rằng họ thực chất chỉ là ổ mại dâm trá hình. Dù vậy, các thành viên của Hand Angels luôn tin rằng họ đang cung cấp một dịch vụ cần thiết và hữu ích cho một bộ phận dân số bị hoàn toàn tước bỏ mất cuộc sống tình dục, cho dù những người này cũng có nhu cầu và mong muốn như bất cứ người bình thường nào khác.

 "Nếu họ nghĩ tôi là gái làng chơi, tôi cũng không để tâm" - một nữ tình nguyện viên chia sẻ về công việc đặc biệt của mình

"Những tổ chức khác, hầu hết do các nhóm tôn giáo hoặc các nhóm phụ huynh sáng lập, họ sẽ nghĩ làm thế nào để giúp người khuyết tật làm việc hoặc sống tự lập, nhưng quyền được có đời sống tình dục thì chưa ai để ý. Và đó là những gì chúng tôi đang làm" - một nữ tình nguyện viên của nhóm chia sẻ.

Trên thực tế, ý tưởng này dường như đã bắt nguồn từ Nhật Bản từ hồi năm 2013, khi một nhóm hoạt động cung cấp dịch vụ tương tự cho người khuyết tật.

 

Theo Thethaovanhoa