Tin tặc Nga bị tố tấn công cuộc bầu cử tổng thống Pháp

(SHTT) - Ngày 15/3, Trend Micro đã phát hiện nhóm này cố gắng đánh cắp mật khẩu thư điện tử của nhiều thành viên trong nhóm hỗ trợ tranh cử cho ông Macron bằng cách dẫn dụ họ nhấp chuột vào các trang web giả mạo.

Bà Marine Le Pen và ông Emmanuel Macron. Ảnh: BBC 

 Một nhóm tin tặc của Nga bị nghi ngờ đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Pháp khi cố tình làm suy yếu chương trình vận động của Macron, theo New York Times.

ông ty an ninh mạng Trend Micro có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản ngày 25/4 công bố một báo cáo chỉ đích danh nhóm tin tặc Nga được biết đến dưới nhiều biệt danh như Pawn Storm, Fancy Bear, APT28 hay Sofacy Group.

Ngày 15/3, Trend Micro đã phát hiện nhóm này cố gắng đánh cắp mật khẩu thư điện tử của nhiều thành viên trong nhóm hỗ trợ tranh cử cho ông Macron bằng cách dẫn dụ họ nhấp chuột vào các trang web giả mạo.

Nhóm tin tặc này cũng được cho là thủ phạm tấn công mạng nhắm vào các tổ chức của đảng Dân chủ trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái.

Trước đó, theo kết quả sơ bộ vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp ngày 23/4, Emmanuel Macron đạt 24%; và Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN) Marine Le Pen đạt 21,8% dẫn dầu cuộc đua và sẽ bước vào vòng 2 cuộc bầu.

Tiếp theo, 2 nhân vật trên là François Fillon, đại diện đảng Những người Cộng hòa (LR) cánh hữu đạt 19,9%; Jean-Luc Mélenchon, ứng cử viên phong trào Nước Pháp bất khuất cực tả đạt 19,3%; Benoît Hamon, ứng cử viên của đảng Xã hội, cánh tả đạt 6,3%; Nicolas Dupont-Aignan, thuộc phong trào Nước Pháp Đứng lên đạt 4,9%; Philippipe Poutou, Tân Đảng chống Tư bản đạt 1,1%; Jean Lassalle, Chúng ta Hãy kháng cự đạt 1%; François Asselineau, thuộc Liên minh Nhân dân Cộng hòa đạt 0,8%; Nathalie Arthaud, Đấu tranh Công nhân 0,7%; Jacques Cheminade, Đoàn kết và Tiến bộ 0,2%.

Theo Bộ Nội vụ Pháp, 20 triệu phiếu được kiểm chưa bao gồm số phiếu từ các thành phố lớn nhất của nước này.

Hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất sẽ cùng bước vào vòng bỏ phiếu thứ hai, diễn ra vào ngày 7/5 tới.

Nếu giành thắng lợi cuối cùng, ông Emmanuel Macron, 39 tuổi, lãnh đạo đảng Tiến lên (En Marche), sẽ trở thành tổng thống trẻ nhất của Pháp. Ông Macron từng làm bộ trưởng kinh tế và lãnh đạo cấp cao ngân hàng Rothschild & Cie. Ông Macron có quan điểm mở cửa với người tị nạn, chủ trương tăng ngân sách quốc phòng và vẫn duy trì mối quan hệ giữa Pháp với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong khi đó, bà Marine Le Pen, 48 tuổi, là chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia. Bà từng làm luật sư từ năm 1992 đến 1998, trở thành nghị sĩ Nghị viện châu Âu vào năm 2004. Bà Le Pen có thời điểm phải đối mặt với cáo buộc vi phạm quy định gây quỹ vận động tranh cử. Tuy nhiên, bà bác bỏ mọi cáo buộc.

Hồi tháng 11 năm ngoái, bà Le Pen là một trong những chính khách nước ngoài đầu tiên gọi điện chúc mừng ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ.

Ngay sau khi kết quả sơ bộ cuộc bầu cử tổng thống Pháp được công bố, lãnh đạo nhiều nước châu Âu đã lên tiếng bày tỏ quan điểm, trong đó nhiều nhà lãnh đạo và chính trị gia chúc mừng ứng cử viên Emmanuel Macron.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã gửi lời chúc mừng tới ứng cử viên được đánh giá là “thân châu Âu” Emmanuel Macron, đồng thời chúc ứng cử viên 39 tuổi này “may mắn” trong vòng 2 cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 7/5 tới.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng chúc ông Macron “những điều tốt đẹp nhất” trong hai tuần tới, ám chỉ cuộc chạy đua vòng hai vào điện Elysee.

Bà Le Pen không ủng hộ nhập cư, đặt mục tiêu tăng ngân sách quốc phòng. Trái với đối thủ Macron, bà muốn Pháp rời khỏi NATO và đàm phán lại các hiệp định EU.

Cùng với đó, Tại thủ đô Paris, sau khi có kết quả sơ bộ, nhiều người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát do cảm thấy tức giận trước việc bà Le Pen giành quyền bước vào cuộc bỏ phiếu vòng hai.

PV (t/h)