PGBank tiếp tục 'mời' sếp cũ MSB về chung một nhà

Mới đây, PGBank tiếp tục bầu hai cựu thành viên của MSB làm thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank – Mã: PGB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 theo hình thức trực tuyến.

Tại đại hội, ban lãnh đạo thực hiện bầu thay thế một thành viên HĐQT và sẽ bầu thay thế hai thành viên tại ĐHĐCĐ bất thường để đảm bảo số lượng là 9 thành viên.

Thành viên được bầu bổ sung là ông Nilesh RatilalBanglorewala (1964) có 33 năm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Giám đốc Tài chính của Standard Chartered Bank (Indonesia);  Giám đốc khối Quản lý tài chính MSB; Kế toán Trưởng MSB;...

Tại đại hội cũng thực hiện bầu bổ sung bà Dương Ánh Tuyết làm thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 - 2025. Bà Dương Ánh Tuyết có 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tài chính ngân hàng, từng giữ nhiều vị trí quan trọng như Phó Tổng Giám đốc MSB; Thành viên Uỷ ban nhân sự  MSB;…

Thành viên mới HĐQT và Ban Kiểm soát được bầu tại đại hội đồng cổ đông năm 2021.

Trước đó, trong bối cảnh thương vụ sáp nhập với HDBank chưa rõ kết quả, PGBank lần lượt bổ nhiệm một số cá nhân từng làm việc tại MSB vào ban điều hành. Động thái này tạo nghi ngờ về sự thay đổi cơ cấu cổ đông của PGBank.

Cụ thể, PGBank đã quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Phi Hùng làm Quyền Tổng Giám đốc PGBank từ ngày 2/11/2020. Đồng thời, HĐQT ngân hàng đã miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Tiến Dũng và bổ nhiệm ông Dũng làm Phó Chủ tịch ngân hàng nhiệm kì 2020 – 2025.

Theo tìm hiểu, ông Hùng từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Khối Công nghệ và vận hành, rồi sau này được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối vận hành của MSB. Ngoài ra, ngày chính thức bị bãi nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc tại MSB (2/11) cũng là ngày đầu tiên ông Hùng nhận chức tại PG Bank.

Ông Nguyễn Phi Hùng - Tổng Giám đốc PG Bank.

Trước ông Hùng, ngày 22/5/2020, ông Hoàng Xuân Hiệp – một nhân sự cao cấp từng làm việc tại MSB cũng gia nhập và được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc PGBank, phụ trách điều hành và xử lí các công việc của Khối Xử lý và Thu hồi nợ, Phòng Pháp chế và Tuân thủ.

Theo giới thiệu của PGBank, ông Hiệp từng đảm nhiệm nhiều cương vị cấp cao tại MSB trước đó, như Phó Tổng Giám đốc; Tổng Giám đốc công ty quản lý và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Hàng Hải.

Mới đây, lãnh đạo MSB khẳng định không có chuyện ngân hàng này nhận sáp nhập PGBank vào hệ thống dù trước đó một số nhân sự cũ đã sang PGBank đảm nhiệm vai trò lãnh đạo.

Tổng giám đốc MSB cho biết dù PGBank đã trải qua nhiều quá trình nghiên cứu sáp nhập vào một số ngân hàng khác trong hệ thống và đến nay chưa có kết quả, MSB không có chủ trương nhận sáp nhập PGBank.

Một số lãnh đạo cũ của ngân hàng đã sang làm việc tại PGBank nhưng các nhân sự này đều đã kết thúc hợp đồng tại MSB trước đó. Vì vậy, việc nhân sự cũ của MSB sang PGBank không liên quan gì tới chuyện sáp nhập của ngân hàng này’, ông Linh cho biết.

Đáng chú ý, MSB và PGBank còn có quan hệ sở hữu vốn trước đó. Theo Báo cáo thường niên năm 2018 của MSB cho biết nhà băng này nắm giữ 9,98% vốn điều lệ tại PGBank và là một trong những cổ đông tổ chức lớn nhất.

Tỷ lệ này sau đó đã được giảm xuống lần lượt còn 4,99% vào cuối năm 2019 và đến cuối năm 2020, MSB đã thoái sạch vốn khỏi PGBank. Tuy nhiên, phía đối tác nhận mua gần 10% vốn ngân hàng vẫn chưa được MSB tiết lộ.

Ngân hàng PGBank từng nhiều lần “hứa hẹn” về việc sáp nhập vào ngân hàng khác, từ VietinBank, MBBank cho tới gần nhất là HDBank.

Thậm chí, thương vụ PGBank và HDBank đã được hai bên thống nhất và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về mặt nguyên tắc. HDBank cũng đã cử ông Lý Vinh Quang sang làm Thành viên HĐQT PGBank từ tháng 10/2019. Tuy nhiên, đến nay, thương vụ sáp nhập giữa 2 ngân hàng này vẫn chưa diễn ra.

Tại ĐHĐCĐ PGBank cũng đưa ra xem xét việc dừng giao dịch sáp nhập PGBank vào HDBank sau nhiều năm "đắp chiếu". 

Cho biết về vấn đề này, Tổng Giám đốc Nguyễn Phi Hùng cho biết mặc dù hồ sơ xin chấp thuận nguyên tắc đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nguyên tắc vào tháng 10/2018 nhưng cho đến nay giao dịch sáp nhập giữa hai ngân hàng vẫn chưa được chính thức chấp thuận.

Thời gian sáp nhập kéo dài hơn dự kiến gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của PG Bank’, ông chia sẻ.

Hà Phương