Tết với trẻ mồ côi

Tết đến là lúc người người dù tất bật nơi đâu vẫn cố gắng về bên mái ấm gia đình sum họp cùng người thân. Còn với trẻ mồ côi, cơ nhỡ Làng Thiếu niên Thủ Đức, TPHCM, mái ấm của các em chính là mái nhà mà ở đó, các cô giáo chính là mẹ của các em.

Đã lâu lắm rồi không có điều kiện về thăm nhà, nhiều mẹ cũng muốn về gia đình đón tết, nhưng cứ nghĩ các con bơ vơ nên đành ở lại với các con.

Thương lắm các con

180 trẻ ở Làng Thiếu niên Thủ Đức là 180 hoàn cảnh khác nhau. Em không cha, không mẹ, em bị bỏ rơi từ lúc lọt lòng nhưng tất cả đều có một điểm chung là thiếu thốn tình cảm gia đình, nhất là mỗi dịp tết đến. Chị Võ Thị Tươi, Trưởng phòng Quản lý, nuôi dưỡng, giáo dục Làng Thiếu niên Thủ Đức chia sẻ: “Nhiều đứa con của tôi ở đây có hoàn cảnh rất khó khăn, đáng thương vô cùng. Có đứa bị bỏ rơi ngay khi vừa lọt lòng, có đứa về đây với cơ thể tím tái, thương tật do bị bạo hành. Thương nhất vẫn là những đứa con bị bệnh hiểm nghèo, không ý thức được mọi thứ xung quanh…”.

Tất cả những cảnh ngộ ấy được đón về Làng thiếu niên Thủ Đức, được sống trong vòng tay yêu thương, bảo bọc, sự quan tâm, săn sóc của các cán bộ, giáo viên mà các em trìu mến gọi là bố, là mẹ, là chị. Ở đây, các em không còn cô đơn, mặc cảm. Đã không còn những ngày đói, rét mà đầy ắp tiếng cười, niềm vui, tình anh em, bạn bè thân thiết, gắn bó. Cháu Nguyễn Thị Thùy Dương (5 tuổi) hớn hở khi được hỏi về tết: “Tết này con vui lắm, con được các mẹ cho quần áo mới, được lì xì đón tết, được ăn ngon, được đi chơi nữa nên con mong tết đến lắm…”. Đôi mắt thoáng buồn của cô bé khi được hỏi có muốn về với gia đình, nhưng rồi chợt vui tươi khi nghe kể về kế hoạch vui tết sắp tới.

Cách đây gần 7 tháng, Thùy Dương được chính quyền phường Hiệp Bình Phước (Thủ Đức) đưa vào đây với 2 đôi mắt bầm tím, phần trán sưng to, tụ dịch 2 xoang hàm dưới rất thương tâm do bị cha ruột nhiều lần hành hạ tàn nhẫn. Trước đó, những người hàng xóm tốt bụng biết chuyện, báo chính quyền đến giải thoát và đưa cháu về đây. Còn hai bé Lương Hoàng Anh (6 tuổi), Lương Vũ Thịnh (3 tuổi) được đưa vào làng nhưng không ai biết rõ lai lịch của 2 bé như thế nào, chỉ biết hai cháu không có cha, được mẹ gửi người hàng xóm nuôi rồi bỏ đi biệt tích. Trong bộ quần áo mới, bé Phạm Hoàng Thu Thủy có cha mẹ bị mất sớm do bệnh hiểm nghèo đang hớn hở chạy khắp nhà khoe với mọi người. Vừa khoe xong, Thủy lại thay quần áo và đưa cho mẹ cất để hôm nào đi chơi tết mới mặc. “Tôi xuất thân là trẻ mồ côi được đưa vào làng lúc 8 tuổi. Mặc dù nay đã có công việc ổn định nhưng thấy các em mồ côi, cơ nhỡ giống mình ngày trước nên tôi xin về lại làng để bù đắp phần nào thiệt thòi mà các em phải gánh chịu”, bảo mẫu Lý Thị Mùi (22 tuổi) chia sẻ.

Mong các con bớt tủi

Mấy hôm nay, các con đang phụ giúp mẹ tổng vệ sinh chuẩn bị đón tết. Con trai lau chùi nhà cửa, lắp đèn nháy. Con gái lớn phụ mẹ một số công việc để chăm lo tết cho các em. Một số em khác trang trí lại căn phòng của mình bằng những chùm bóng bay hay những bức tranh do chính các em vẽ; kết từng bình hoa đào, hoa mai để chuẩn bị tết. Cô Dương Thị Yến tâm sự: “Tết là dịp để sum họp gia đình, thấy các con là những trẻ mồ côi, không nơi nương tựa đáng thương lắm. Làm sao để chúng có được cảm giác ấm áp, thân thương trong những ngày tết là điều bất kỳ bà mẹ nào trong làng cũng mong. Vì vậy, ngoài việc tặng quà và lì xì cho các cháu, chúng tôi còn tự tay chuẩn bị cho các con từ bộ quần áo mới rồi bánh kẹo, đồ ăn ngày tết. Chỉ mong các con bớt tủi thân khi thiếu vắng tình thương của gia đình”. 

Tại các khu nhà Bình Minh, Anh Đào, Uất Kim Hương, Mộc Lan… tuy còn thiếu thốn nhiều về vật chất nhưng ngôi nhà nào cũng đầy ắp tiếng cười nói của các thành viên trong nhà, các em lặt lá mai, dọn dẹp phòng ở, dán câu đối, hoa mai vàng lên mỗi cửa phòng. Các em còn háo hức khoe một lẵng trái cây, dĩa đựng bánh chưng để trang trí cho mâm ngũ quả. Các em khác hớn hở cùng các mẹ chuẩn bị vật liệu gói bánh chưng, bánh tét, làm báo tường … để chuẩn bị cho Lễ hội xuân Giáp Ngọ tổ chức vào ngày 24-1. Như đã quen với cái tết thiếu vắng sự sum họp của gia đình khi được đưa vào làng khi vừa 2 tháng tuổi, em Hiếu Nghĩa kể: “Trước kia, mỗi khi tết về em rất buồn vì không có cha mẹ, nhưng nay được đón tết cùng các mẹ, các anh em trong làng, em vui lắm…”.

Làng có hơn 180 cháu với hơn 30 % là cháu dưới 3 tuổi. Với mức sinh hoạt phí 480.000 - 600.000 đồng/tháng/trẻ so với chi phí đắt đỏ hiện nay, các cháu vẫn còn rất khó khăn. Năm nào làng cũng nhận được sự quan tâm của lãnh đạo TP, các mạnh thường quân. Tết đến, Làng Thiếu niên Thủ Đức đều cố gắng tổ chức lễ hội xuân cho các cháu với nhiều hoạt động như gói bánh tét; tổ chức các chương trình ca nhạc, liên hoan, các trò chơi dân gian… Đây cũng là lúc mà những người cha, người mẹ tại làng dồn hết tâm lực để các em quên đi nỗi bất hạnh của mình.