Anh cam kết bán vaccine Covid-19 không lợi nhuận cho các nước nghèo

(SHTT) - Đại học Oxford và Tập đoàn AstraZeneca mới đây đã tuyên bố sẽ bán vaccine Covid-19 do họ phát triển với giá không lợi nhuận cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Theo tuyên bố chung của Đại học Oxford và AstraZeneca: "Yếu tố quan trọng trong quan hệ đối tác của Oxford với AstraZeneca là cam kết cung cấp vaccine trên cơ sở phi lợi nhuận trong suốt thời gian xảy ra đại dịch trên toàn thế giới và vĩnh viễn phi lợi nhuận với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình”.

Một số thông tin cho biết, vaccine do Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển có thể được bán ra với mức giá chỉ 3USD/liều. Trước đó, vào mùa hè năm nay, AstraZeneca cũng đã tuyên bố sẽ cung cấp 1,3 tỷ liều vaccine với giá gốc để bảo đảm các nước giàu nhất thế giới không tích trữ vaccine.

 

Hiện vaccine do AstraZeneca và Đại học Oxford đang cho hiệu quả trung bình 70% trong các thử nghiệm quy mô lớn ở Vương quốc Anh và Brazil. Vaccine này được phát triển bởi Đại học Oxford, cho thấy hiệu quả lên đến 90% trong phác đồ thứ nhất (tiêm nửa liều và một tháng sau tiêm thêm một liều); trong phác đồ thứ hai (tiêm 2 liều cách nhau một tháng), vaccine đạt hiệu quả 62%.

Vaccine của AstraZeneca và Đại học Oxford được cho là loại vaccine đầu tiên đáp ứng được các điều kiện khó khăn của các nước đang phát triển. Ưu điểm lớn nhất của loại vaccine này là nó có thể bảo quản trong tủ lạnh thông thường, từ 2 đến 8 độ C và có đặc tính tương tự như các loại vaccine khác mà các nước đang phát triển sử dụng. Thời hạn sử dụng của vaccine AstraZeneca cũng lên đến 6 tháng và có giá rẻ hơn 2 loại vaccine của Moderna và Pfizer-BioNTech.

Không giống như vaccine của Pfizer-BioNTech hay Moderna, vaccine thử nghiệm của AstraZeneca đã là một phần của COVAX, sáng kiến toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với mục tiêu phân phối khoảng 2 tỷ liều cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình với chi phí tối đa là 3 USD/liều.

Ước tính, thế giới sẽ cần hơn 17 tỷ liều vaccine và các quốc gia giàu có nhất thế giới đã sử dụng ảnh hưởng kinh tế của mình để mua trước các loại vaccine tiềm năng trong số hơn 300 vaccine đang được phát triển.

Ngược lại, các nước đang phát triển bị tụt hậu. AstraZeneca cho biết họ sẽ ngay lập tức xin phê duyệt sớm vaccine và sẽ đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp để có thể cung cấp vaccine của mình ở các nước nghèo hơn.

Hiện nay, nhằm đảm bảo vaccine Covid-19 có thể cung cấp tới mọi nơi trên thế giới, WHO đã khởi xướng cơ chế COVAX với mục tiêu vào cuối năm 2021 đưa 2 tỷ liều vaccine chống virus SARS-CoV-2 hiệu quả và an toàn tới 92 quốc gia và nền kinh tế thu nhập thấp đã đăng ký tham gia sớm.

An An