Tìm được trâu bị lũ cuốn, chủ nhân nghẹn đắng bị đòi 10 triệu tiền chuộc: Cạn tình làng xóm

Lâu lắm rồi, kể từ trận lũ lịch sử năm 1999 làm hơn 500 người chết ở Thừa Thiên-Huế, chúng ta mới lại chứng kiến một mùa lũ lụt đầy mất mát với khúc ruột miền Trung.

Đợt lũ này có hơn 200.000 ngôi nhà ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh chìm trong biển nước. Kéo theo đó tất nhiên là đồ đạc, của cải, gạo thóc, dành dụm trong cả năm, có khi cả đời trôi theo nước lũ bởi phần lớn những người dân chạy nạn, họ chỉ kịp thoát với hai bàn tay trắng đúng nghĩa.

Một số người may mắn khi đàn trâu, đàn nghé vẫn an toàn sau lũ, một số người xót xa bật khóc khi thấy 'cơ nghiệp' của mình bị nhấn chìm trong lũ, mất tích hoặc chết. Số khác lại đau đầu khi tìm thấy trâu, nghé tại nhà của một người dân địa phương nhưng chưa thể dắt trâu về...

Chủ trâu bức xúc vì người nhặt đòi tiền chuộc

Thông tin từ Báo Đất Việt, ngày 25/10, tài khoản có tên I.T chia sẻ câu chuyện tìm được trâu nhưng người nhặt được lại đòi tiền chuộc 10 triệu đồng: 'Hôm nay đã tìm ra được em trâu mạ (mẹ), nhưng người ta bắt đưa 10 triệu để chuộc lại mọi người à... Người ta nói đó là tiền công người ta bắt được trâu, nuôi trâu trong những ngày qua, và tiền để trả tiền mà người ta thuê người bắt trâu trong lúc trâu bị nước cuốn trôi...' .

Theo đó, sự việc xảy ra ở Quảng Bình, nơi mà cơn lũ quét qua và để lại rất nhiều thiệt hại cho bà con nơi đây. Trong sự bất lực vì không thể thỏa thuận, I.T còn cho biết gia đình vẫn mất tích 4 con trâu và nghé, cụ thể là 2 trâu cái 1 tuổi rưỡi, 1 trâu đực, 1 trâu cái 5 tháng tuổi.

Đến sáng 26/10, theo cập nhật từ tài khoản D.P, chính quyền địa phương đã đến vận động người nhặt được trâu trả lại cho chính chủ, tuy nhiên, người nhặt được vẫn khăng khăng không chịu trả.

Người nhặt được trâu nhất quyết không trả trâu nếu không chồng đủ tiền mặt

Tuy nhiên, mới đây, dân tình lại tiếp tục bày tỏ sự bức xúc khi xem được đoạn hội thoại giữa chủ trâu và người nhặt được trâu.

Trong clip, người nhặt được trâu cho biết, sẽ giảm giá từ 10 triệu xuống còn 5 triệu đồng. Theo người đàn ông này, tiền công giữ trâu mỗi ngày là 500 ngàn, thời gian 9 ngày hết 4,5 triệu. Thêm 500 ngàn tiền thuê người bắt trâu và dẫn trâu về nhà, tổng cộng 5 triệu. 'Đó là tui giảm (giá) rồi đó' - người này nói.

Ngang ngược hơn, người nhặt được trâu còn thách thức 'cứ mời công an xuống đây giải quyết'. Cạnh đó, chủ trâu cũng xin được viết giấy khất nợ trả dần, do lũ lụt vừa qua thiệt hại rất nhiều, gia đình lại thuộc diện khó khăn, dù vậy, người nhặt được trâu vẫn không đồng ý.

'Giờ trâu đang yếu, không cho ăn nữa'; 'Dì là chủ trâu, dì đã tới rồi, chuộc được thì chuộc không chuộc thì thôi'; 'Giờ không quan tâm nữa, tau không cần thiết nữa, không cần 5 triệu nữa, hắn (con trâu) chết, tau mần thịt cả con',... Người nhặt được trâu và người thân của người này thay nhau nói.

Chú trâu nhặt được được gia đình này cột trước cổng nhà.

Ngay khi bài đăng được đăng tải, nhiều người đã bày tỏ sự bức xúc, phẫn nộ với hành động của người nhặt được trâu, cũng là bà con chòm xóm với người mất trâu.

- Thật sự không hiểu nổi, sống thất đức quá, ăn được 5 triệu bạc không được gì, còn mang tiếng ra.

- Xem xong bức xúc thật sự, nhân cách con người chỉ đáng gái 5 triệu thôi đấy. Trong khi gia đình cũng đâu đến nỗi nghèo khó gì, sống để đức cho con cháu với chứ.

- Trong lúc hoạn nạn chẳng thấy tình người đâu, trục lợi như thế này có giàu lên được tí nào không?

Thiết nghĩ, giữa cơn hoạn nạn, người dân từ những miền xa xôi khác còn chung tay về vùng lũ giúp sức, cứu trợ bà con, đằng này là những người dân cùng vùng lũ mà không biết cảm thông và thương lấy nhau, lợi dụng lúc khó khăn để trục lợi. Những con người như thế này rất đáng bị lên án! 

Nguồn Báo Đất Việt

Tổng hợp : Webtretho