Bão số 9 rất mạnh, Thủ tướng họp khẩn với các địa phương: Lên kịch bản di dời 1,3 triệu dân

Theo nhiều đánh giá, cơn bão số 9 này rất mạnh, di chuyển nhanh, có thể giật cấp 15, gây mức độ rủi ro thiên tai gần cấp thảm hoạ, lên kịch bản di dời 1,3 triệu dân.

Đúng 9 giờ sáng nay, 26/10, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã phát tin khẩn cấp về cơn bão số 9 (cơn bão Molave), ngay sau khi bão đi vào Biển Đông. Đây là cảnh báo bất thường so với những cơn bão trước đây.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhấn mạnh bão số 9 là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh trong khoảng 36 - 48 giờ đã ảnh hưởng đất liền nên phải phát tin bão khẩn cấp sớm.

Ảnh chụp màn hình Hà Nội Mới

Trước tình hình bão khẩn cấp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã điều hành cuộc họp trực tuyến với các địa phương để ứng phó bão. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai.

Tại cuộc họp ứng phó với bão lũ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, cơ quan dự báo khí tượng Việt Nam cho biết, cơn bão số 9 có khả năng mạnh cấp 12-13, giật cấp 15 trên biển Đông, gây độ rủi ro thiên tai cấp 4 (gần cấp thảm hoạ là cấp 5). 

Trên biển, bão số 9 có thể khiến sóng cao từ 8 đến 10m, khu vực ven biển các tỉnh Trung Bộ sóng cao 5-7m, trọng tâm là khu vực Đà Nẵng đến Phú Yên; còn ven biển từ Quảng Nam đến Bình Định, dự báo có nước biển dâng cao đến 1m.

Cơn bão số 9 có không khí ẩm hơn, cao cận nhiệt đới lấn sâu vào phía tây nên đi thấp hơn cơn số 8. Không khí lạnh không thuận lợi để hạ thấp cường độ khi gần vào bờ và nhiều khả năng cơn bão này giữ cường độ cao khi tiến về phía đất liền miền Trung.

Thủ tướng họp khẩn về cơn bão số 9 vào sáng nay 26/10. Ảnh: Phụ Nữ VN

Dự báo, bão sẽ đi vào khu vực giữa trung Trung bộ và nam Trung bộ. Đây là khu vực địa hình rộng, thoáng không có vật cản ma sát để làm bão yếu đi nên gió bão càn quét rất mạnh.

Dự báo từ 27-29/10, bão số 9 có thể gây mưa to đến rất to cho các tỉnh Trung Bộ với lượng mưa 200-350mm/đợt. Hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh có thể gây mưa lớn kéo dài cho các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ, riêng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có thể mưa đặc biệt to với lượng mưa trên 500mm/đợt. Nguy cơ cao đến rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi khu vực Trung Bộ.

Đặc biệt, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có thể có mưa đặc biệt to, với tổng lượng mưa đạt trên 500 mm/đợt. Theo đó, vùng núi các tỉnh Bắc Trung Bộ có nguy cơ rất cao xảy ra tiếp tục lũ quét và sạt lở đất.

Bão số 9 được nhận định di chuyển rất nhanh, rất mạnh và rất nguy hiểm - Ảnh: TPO

Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, với kịch bản của cơ quan dự báo bão đưa ra, khả năng Việt Nam sẽ phải di dời gần 1,3 triệu dân tại 7 tỉnh miền Trung để ứng phó với bão.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai, cơn bão số 9 mạnh tương đương cơn bão Damrey năm 2017, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, cơ sở hạ tầng.

Cơn bão này đã làm 123 người chết, mất tích và 134.000 nhà, hơn 73.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, cùng với đó là 1.809 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng, 8 tàu thuyền vận tải bị chìm tại Quy Nhơn, Bình Định. Thiệt hại vật chất của cơn bão Damrey lên đến hơn 22.000 tỷ đồng.

Ảnh tổng hợp

Hiện các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận đã có công điện, văn bản chỉ đạo công tác đối phó với bão cụ thể: Đã tổ chức thông báo, hướng dẫn cho tàu thuyền, phương tiện biết vị trí, hướng di chuyển của bão; hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại các cảng, khu neo đậu; gia cố, di dời, đảm bảo an toàn cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ và mưa lũ sau bão.

-----

Nguồn: TPO, TNO, Hanoimoi

Tổng hợp : Webtretho