Tổng lương 14 triệu/tháng, vợ chồng trẻ vẫn tậu nhà 700 triệu đồng

Nếu biết vun vén tiết kiệm thì một gia đình dù thu nhập chỉ dưới 15 triệu/tháng nhưng vẫn có dư. Một số khác dù thu nhập đầu người lên đến 25-30 triệu nhưng hỏi tới là vẫn... kẹt tiền, vì làm ra đồng nào là ''bào'' đồng ấy.

Có người cho rằng, một gia đình 3 nhân khẩu ở các thành phố lớn chi tiêu mỗi tháng cũng phải ngót nghét 20-25 triệu đồng, rất khó để tiêu dưới con số này. Thế nhưng nói đi cũng phải ngẫm lại, ông bà ta có câu ''cây to thì gió lớn''. Người kiếm được nhiều tiền thì bản thân và gia đình lại có rất nhiều khoản chi lớn khiến họ chẳng dành dụm được bao nhiêu.

Do đó không nhất thiết phải cào bằng một con số trung bình cộng nào đó để áp đặt cho tất cả mọi người. Chẳng hạn gia đình dưới đây, dù thu nhập của hai vợ chồng chỉ 14 triệu đồng/tháng, nhưng họ vẫn mua được nhà 700 triệu đồng chỉ sau 2 năm đám cưới nhờ biết khéo léo cân bằng thu chi và nắm bắt thời cơ.

Nên ghi ra các khoản thu chi để không bị ''bạo phát''. Ảnh minh họa: Internet
 

Tiết kiệm được tiền ăn uống vì ''ở nhờ'' nhà chồng

Hai anh chị yêu nhau được 4 tháng thì phải cưới ''chạy bầu'' vì chị mang thai ngoài kế hoạch. Lúc ấy hai vợ chồng đều làm chung công ty và thu nhập chỉ 7 triệu đồng/người vì mới ra trường không lâu, kinh nghiệm chưa nhiều. 

Trong sự gấp gáp có cái may mắn, cũng nhờ cưới sớm mà hai vợ chồng cũng trưởng thành sớm, ý thức được giá trị đồng tiền và nhanh chóng ổn định tư tưởng, chí thú gom góp. 

Thuận lợi nhất của hai vợ chồng là không phải tốn tiền ra ở riêng mà sống hẳn với bố mẹ chồng. Mỗi tháng, đôi vợ chồng trẻ chỉ phải góp tiền điện nước 1 triệu đồng, vì bố mẹ chồng vẫn chưa đến tuổi hưu nên đi làm có thu nhập, sẵn sàng hỗ trợ con cái. 

Tiền ăn uống hàng ngày vẫn là khoản chi lớn nhất. Hai bữa sáng tối đã ăn ở nhà, riêng bữa trưa anh chị cũng mang cơm theo hoặc tạt về nhà ăn cho tiết kiệm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thời gian thai kỳ, mỗi tháng chị chi 1-2 triệu đồng để mua sữa bầu và thức ăn vặt bồi dưỡng. Con chào đời, khoản tiền bỉm sữa mỗi tháng tăng lên tầm 3 triệu. Tính ra mỗi tháng vợ chồng chị mất trên dưới 4 triệu đồng khoản tiền cố định này.

Riêng chi phí sinh nở và các khoản lặt vặt lúc bé ra đời đều được người thân, họ hàng lì xì mừng ''mẹ tròn con vuông'' nên anh chị cũng tiết kiệm được một khoản phí sinh hoạt.

Bố mẹ chồng đều còn khỏe nên hai anh chị cũng được nương nhờ. Ảnh minh họa: Getty Images
 

Cơ duyên mua nhà tới bất chợt

Với quan điểm sống tằn tiện như thời sinh viên, hai anh chị không đụng đến 10 triệu thu nhập còn lại mà đều đặn gửi ngân hàng mỗi khi đến kì lãnh lương. Lúc này đôi vợ chồng trẻ vẫn cho rằng ra ở riêng là việc quá tốn kém và có một mái ấm nhỏ cho gia đình 3 người vẫn chỉ là giấc mơ xa xôi. 

Vậy mà gần cuối năm thứ 2 hôn nhân, hai anh chị lại gặp chuyển biến bất ngờ. Số là mẹ chồng bắt được tin có người hàng xóm bán căn nhà cấp 4 với giá chỉ 700 triệu đồng. Nhà chỉ 38 mét vuông nhưng có khả năng lên tầng, nhiều diện tích được phép cơi nới. 

Vậy là mẹ chồng hối thúc anh chị mua ngay bởi vì nhà rẻ thế này có đi săn lùng ''mòn bánh xe'' cũng chẳng ra. Hai bên nội ngoại đồng ý cho luôn 150 triệu đồng để mua nhà.

Đôi vợ chồng trẻ bắt đầu ngồi xuống thống kê khoản tiết kiệm của mình. Tiền lương 2 năm sau cưới gom góp được 200 triệu đồng, thưởng Tết và thưởng quý thêm được 50 triệu nữa. 

Đang lúc vàng lên giá, anh chị đem bán số vàng mừng cưới được 100 triệu đồng, lời tới 40 triệu đồng so với giá vàng lúc cưới. Gom lại cũng được 500 triệu đồng. Anh chị đặt cọc rồi cầm luôn sổ đỏ của căn nhà mới đem thế chấp ngân hàng, vay được 200 triệu đồng trả dần trong 3 năm. 

Anh chị nhanh tay túm được 1 căn nhà hẻm giá rẻ. Ảnh minh họa: Flickr
 

Mỗi tháng dù phải trả tiền gốc và lãi hơn 7 triệu đồng nhưng anh chị vẫn còn dư chút đỉnh để lo sinh hoạt phí và các khoản chi bất ngờ. Đôi vợ chồng xác định 3 năm tới có thể hơi khó khăn nhưng dù sao nếp sống của ''sinh viên nghèo'' cũng đã quen rồi, nên không thấy áp lực. 

Việc mua sắm nội thất được tiến hành chậm rãi, không còn gì phải lo lắng gấp gáp nữa vì ngôi nhà đã là của riêng họ rồi.

"Một đồng tiết kiệm luôn quý hơn một đồng làm ra'', giả sử bạn nai lưng làm việc nhưng tiêu pha chớp nhoáng thiếu tính toán cho ''bỏ công mình làm'', thì thà làm ít lại, kiếm ít hơn, tiêu ít đi nhưng vẫn dành ra được chừng đó số tiền không thua người cày ngày cày đêm. 

Hai vợ chồng chị không bắt ép mình phải vắt kiệt sức kiếm tiền, mà muốn dành thời gian bên con thơ để chứng kiến sự trưởng thành của con. Họ giới hạn thời gian làm việc và đi lại khoảng 9 tiếng/ngày, những giờ phút còn lại và cuối tuần là dành hết cho con cái. ''An cư lạc nghiệp'', anh chị không có tính ganh đua, cũng không đòi hỏi những hình thức tiêu khiển phức tạp nên cuộc sống khá bình yên, thanh thản.