Tâm sự 2 bố con làm nghề móc cống: Chỉ mong thành phố sạch hơn

Hai bố con cùng làm nghề móc cống mưu sinh tại Sài Gòn. Bố đã theo nghề hơn 30 năm, còn con trai cũng đã làm ngót nghét 12 năm trời.

Hai bố con ông Nguyễn Phú Hộ (53 tuổi, Gò Vấp, TP.HCM) và con trai Nguyễn Thanh Sơn (31 tuổi) đang làm việc tại Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM. 

Theo nghề móc cống này nhiều năm, hai bố con chia sẻ về công việc của những người đang lặng thầm cống hiến cho thành phố Xanh – Sạch – Đẹp hơn mỗi ngày.

Hai bố con ông Nguyễn Phú Hộ - Nguyễn Thanh Sơn với công việc móc cống mỗi ngày để thoát nước cho thành phố (Ảnh: VnExpress). 

Làm hết sức mình, chỉ mong mọi người đừng xả rác bừa bãi

Mỗi ngày bất kể nắng mưa, hai bố con ông Hộ đều phải ngâm mình dưới cống nhiều giờ để vớt rác và bùn đất. Ông Hộ đã làm nghề hơn 30 năm nay, còn anh Sơn cũng đã cùng cha làm việc ngót nghét 12 năm ròng.

Công việc hàng ngày của các nhân viên như bố con ông là trang bị đầy đủ đồ nghề: mũ, đèn pin, ki, thừng đựng xong là bắt đầu chui vào cống. Miệng cống hộp tối om, sâu gần 3m. 

Mỗi ngày hai bố con phải làm việc dưới cống bí bách. (Ảnh: VnExpress).

Bố con ông phải chờ hết mưa, nước rút đi còn độ 1m mới có thể xuống để làm việc. Họ phải cúi sát xuống mặt nước, múc từng xô sình lẫn trong dòng nước thải đen đặc, nồng nặc rồi chuyển lên trên.

Chia sẻ trên VnExpress, anh Sơn cho biết: “Rác thải hay bùn vẫn chưa phải là thứ kinh khủng nhất. Sợ nhất là móc cống gần những công ty, nhà xưởng, nước thải ra toàn hoá chất vừa rất hôi lại cực kỳ độc hại. Tay chân dính vô thứ nước đó thì ngứa ngáy, phồng rộp cả ngày”.

Bố con anh Sơn phải cúi sát xuống nước thải để vét bùn đất, rác thải (Ảnh: VnExpess).

Bùn đất chất thải được vét để thông thoát đường cống (Ảnh: VnExpess).

Hai bố con còn tâm sự: “Bùn đất còn đỡ chứ cống nào gần chợ là đủ loại rác thực phẩm, kinh khủng lắm mà vẫn phải nín thở để vớt lên”.

"Nghề chọn người rồi nên cố sức làm để nuôi gia đình. Dù sao chúng tôi cũng sẽ làm hết mình để giữ thành phố sạch đẹp, chỉ mong mọi người bớt xả rác bừa bãi là được", anh Sơn chia sẻ thêm với VnExpress.

Anh Sơn đẩy bùn đất để kéo lên (Ảnh: VnExpress).

Trung bình mỗi ngày làm việc, họ sẽ gom gần 4 tấn bùn đất, rác thải. Mỗi tổ công nhân thoát nước như vậy sẽ có 8 người, việc nặng nhọc nhất là móc cống và thay phiên nhau thực hiện. Còn lại các thành viên sẽ phụ kéo ra khỏi cống, đổ rác thải, điều tiết giao thông khu vực,…

Đội công nhân thoát nước của ông Hộ khi làm việc (Ảnh: VnExpress).

CĐM cảm ơn, khen ngợi, kêu gọi nhau không xả rác

Sau khi thông tin của bố con ông Hộ được chia sẻ, CĐM đều hết lời khen ngợi công việc thầm lặng, tinh thần tận tụy cống hiến cho môi trường, mỹ quan thành phố của họ. Không chỉ riêng bố con ông, mọi người còn dành lời cảm ơn đến những công nhân vệ sinh, thoát nước như tổ công tác của ông.

CĐM dành lời cảm ơn và khen ngợi đến những "người hùng thầm lặng" (Ảnh: Chụp màn hình).

Không chỉ thế, dân tình còn vô cùng ủng hộ, kêu gọi nhau không xả rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh chung. Đây là động thái lan toả tính tự giác, trách nhiệm với môi trường trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người.

Dân tình còn kêu gọi nhau nâng cao ý thức, không xả rác bừa bãi (Ảnh: Chụp màn hình).

Việc làm của hai cha con người Sài Gòn được đánh giá vô cùng ý nghĩa, là hành động đẹp để chung tay bảo vệ môi trường sống của chúng ta. Còn bạn, bạn nghĩ sao?

Nguồn :http://yan.thethaovanhoa.vn/tam-su-2-bo-con-lam-nghe-moc-cong-chi-mong-thanh-pho-sach-hon-238946.html

Tổng hợp : Yan.vn