Lãi suất chứng chỉ tiền gửi tại MB giảm dần trong 6 tháng đầu năm

Lãi suất chứng chỉ tiền gửi có xu hướng giảm dần từ mức cao nhất 6,75%/năm xuống quanh 3-4%/năm.

Chứng chỉ tiền gửi là công cụ nợ thứ cấp và có thể bổ sung vào nguồn vốn cấp 2 của ngân hàng thương mại. Hơn nữa, phát hành chứng chỉ tiền gửi cũng mang lại hiệu quả thu hút tiền nhàn rỗi cao hơn trong dân cư nhờ vào lãi suất cao, phi rủi ro.

Từ trước đến nay, nhiều ngân hàng cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất dao động từ 6% - 9%. Cụ thể, Vietcapital từng phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất 10,2% cho kỳ hạn 60 tháng, 9,5% đối với kỳ hạn 24 tháng.

Hay như SHB cũng từng phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất hấp dẫn lên đến 9,1%/năm với kỳ hạn 6 năm. Những ngân hàng khác đa số cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất trên 8%/năm. 

Có thể thấy cuộc đua phát hành chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng ngày càng nhiều và lãi suất cũng tăng lên theo từng đợt phát hành. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, lãi suất chứng chỉ tiền gửi tại một số ngân hàng có xu hướng giảm dần.

Mới đây, MB thông báo hoàn tất chào bán riêng lẻ 2.500 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi ghi danh cho khách hàng tổ chức trong tháng 7/2020. Sản phẩm có mệnh giá 10 tỷ đồng, lãi suất ở mức 3,4-4%, kỳ hạn 6-18 tháng. 

MB phát hành 2.500 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi lãi suất dưới 4%/năm.

Trước đó, MB đã có 4 đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi. Cụ thể, trong tháng 6/2020, ngân hàng này chào bán 1.000 tỷ đồng chúng chỉ tiền gửi với lãi suất 3,5% kỳ hạn 7 tháng. Tháng 3-4 có 4.990 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi được phát hành với kỳ hạn 1-24 tháng ở mức lãi suất 3,3-5%. Trong khi đó, tháng 2 có 359 tỷ đồng sản phẩm được chào bán với lãi suất 4,1-6,75% kỳ hạn 1-36 tháng. 

Như vậy, từ đầu năm 2020 đến nay, MB đã phát hành tổng số gần 7.850 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi với lãi suất có xu hướng giảm dần từ mức cao nhất 6,75%/năm xuống ở mức 3-4% năm.

Theo tìm hiểu, tính đến cuối năm 2019, MB phát hành thành công 19.067 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi riêng lẻ. Cụ thể, cuối tháng 9/2019, MB phát hành thành công 6.766 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi riêng lẻ kỳ hạn 1-37 tháng với lãi suất 4,1-7,2%/năm.

Trong nửa đầu năm 2019, ngân hàng phát hành thành công 4.300 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn 1-36 tháng với lãi suất 4,1-6,75%/năm và 4.501 tỷ đồng loại kỳ hạn 1-24 tháng với lãi suất 1-7%.

MB còn phát hành thành công 3.500 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi riêng lẻ cho khách hàng tổ chức trong quý IV/2019 dưới hình thức phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh. Mệnh giá chứng chỉ phát hành từ 10 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng với lãi suất phát hành là 6%/năm, kỳ hạn 12 tháng.

Tại thời điểm 30/6/202, phát hành giấy tờ có giá tại MB tăng 27% so với đầu năm, lên mức 33.302 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2020 tại MB.

Về nguồn vốn, MB ghi nhận tiền gửi của khách hàng giảm 6% so với đầu năm, chỉ ở mức 257.379 tỷ đồng.

Đáng chú ý, cho vay khách hàng chỉ tăng nhẹ 4%, lên 261.384 tỷ đồng trong khi nợ xấu tăng 23%, lên mức 3.576 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu nâng từ 1,15% lên 1,36%.  

Hà Phương