Vietnam Airlines cạn kiệt nguồn lực phải tăng khoản vay ngắn hạn để hoạt động

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ do Chủ tịch Uỷ ban Nguyễn Hoàng Anh ký, Tổng công ty Hàng không Việt Nam Vietnam Airlines là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19.

Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc phạm vi quản lý của Uỷ ban và đề xuất hỗ trợ các doanh nghiệp.

Trước đó, do dịch Covid-19 gay ra sụt giảm thị trường kinh doanh của doang nghiệp, Uỷ ban đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đánh giá mức độ ảnh hưởng đối với 19 tập đoàn, tổng công ty và dự báo sẽ đối mặt nhiều khó khăn trong giai đoạn tới.

Vietnam Airlines chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ dịch Covid-19.

Theo văn bản của Uỷ ban nêu rõ, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Trong 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines ước đạt 19.212 tỉ đồng, giảm 6.712 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2019; lỗ 2.383 tỉ đồng.

Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch kéo dài và kết thúc trong quý IV, tổng doanh thu của Vietnam Airlines ước đạt 38.140 tỉ đồng, giảm 72.411 tỉ đồng so với kết hoạch, ước lỗ 19.651 tỉ đồng.

Trước những khó khăn nêu trên, Vietnam Airlines đã dừng toàn bộ các đường bay quốc tế và duy trì khai thác các đường bay nội địa ở mức tối thiểu. Ngay từ tháng 3/2020, Vietnam Airlines buộc phải đơn phương chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn.

Báo cáo gửi Thủ tướng cũng nêu rõ vào đầu năm 2020, Vietnam Airlines có lượng tiền dự trữ khoảng 3.500 tỉ đồng nhưng đến nay đã cạn kiệt, doanh nghiệp đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán.

Đặc biệt, dư nợ vay ngắn hạn của doanh nghiệp này tính đến ngày 20/3 đã lên tới 3.568 tỉ đồng, trong khi nhiều khoản đến hạn thanh toán đang bị tạm dừng. Dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 15.000 tỉ đồng trong năm 2020.