Novaland lại 'bán con', chị Dậu cũng phải chóng mặt?

Chỉ trong thời gian ngắn, Novaland (NVL) liên tiếp thực hiện các cuộc chuyển nhượng, thoái vốn tại các công ty con, thực sự gây tò mò cho dư luận…

HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán: NVL) vừa thông qua chủ trương chuyển nhượng gần 100% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Phước Long với giá trị vốn góp là 470 tỷ đồng.

Việc chuyển nhượng phần vốn góp kể trên (cụ thể là 99,993% vốn điều lệ) chỉ được thực hiện khi Hội đồng thành viên Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Phước Long thông qua việc chuyển nhượng.

Ngược lại, ngày 13/11, Novaland đã thông qua chủ trương đầu tư thêm 2.319 tỷ đồng vốn vào Công ty CP Nova Hospitality thông qua nhiều đợt góp vốn, nâng số tiền góp vốn lên 3.965 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến sẽ được thực hiện vào trong quý 4/2019.

Tuần trước, Novaland cũng đã thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Đầu tư và Phát triển Địa ốc Vạn Phát. Theo đó, công ty sẽ chuyển nhượng toàn bộ 27.448.300 cổ phần tương đương tổng mệnh giá 274,48 tỷ đồng, tương đương chiếm 49% vốn điều lệ công ty.

Như vậy, nếu cả hai cuộc chuyển nhượng kể trên thực hiện thành công thì Novaland có thể sẽ thu về hàng trăm tỷ đồng. Tính tới 30/9, Novaland có 66 công ty con và 6 công ty liên kết.

Trước đó, Novaland đã thông qua việc đầu tư thêm 2.319 tỷ đồng vào Công ty CP Nova Hospitality bằng nhiều đợt góp vốn, dự kiến thực hiện trong quý cuối năm nay. Tổng Giám đốc Novaland, ông Bùi Xuân Huy sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để hoàn tất thương vụ. Ông Bùi Đạt Chương là em trai ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Novaland đương nhiệm.

Chỉ trong thời gian ngắn, Novaland liên tiếp thực hiện các giao dịch chuyển nhượng, mua bán, M&A

Còn theo báo cáo tài chính quý III/2019 , quy mô tài sản Novaland đến 30/9 xấp xỉ 74.579 tỷ đồng, dù giảm nhẹ so với quý liền trước, nhưng vẫn tăng 4.690 tỷ đồng so với đầu năm. Tiền và tương đương tiền hơn 4.300 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 hồi đầu năm. Ở chiều ngược lại, giá trị hàng tồn kho lại tăng từ 32.760 tỷ đồng lên 43.340 tỷ đồng, các khoản phải thu gấp 1,67 lần hồi đầu năm, xấp xỉ 7.760 tỷ đồng.

Trong đó, bất động sản đã xây dựng hoàn thành giảm 42% còn 6.929 tỷ đồng. Bất động sản đang xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất (36.271 tỷ đồng), tăng 74% so với hồi đầu năm.

Lượng tồn kho tăng mạnh một phần nhờ Novaland thực hiện các thương vụ M&A lớn. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2019, Novaland đã chi 7.832 tỷ đồng để mua lại 6 nhóm công ty.

Riêng quý III vừa qua, Novaland chi 325 tỷ đồng để mua thêm gần 49% vốn Công ty Đầu tư Phát triển Địa ốc Vạn Phát, qua đó sở hữu 97,99% vốn điều lệ, đồng thời cũng M&A thêm công ty con The Forest City có trụ sở đặt tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

Cuối tháng 6, Novaland chi gần 728 tỷ đồng để mua lại 97,99% vốn Bất động sản Khánh An. Thông qua thương vụ này, Novaland còn sở hữu Công ty Carava Resort - chủ đầu tư dự án Khu du lịch bán đảo Cam Ranh, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Đây cũng là doanh nghiệp từng được biết đến thành viên của Tập đoàn Hoàn Cầu.

Một số thương vụ M&A khác được thực hiện với giá trị lớn như mua lại 99,99% Công ty Địa ốc 38 (1.624 tỷ đồng), 69,87% vốn Công ty Thành phố Aqua (2.235 tỷ đồng), 99,97% vốn Bất động sản Trường Tây (2.535 tỷ đồng).

Hiện vẫn chưa có công bố chính thức về việc Novaland bán, thoái vốn (hoặc mua) tại một số công ty con trong thời gian vừa qua. Novaland liệu đang chuyển hướng đầu tư hay do việc góp hơn 2.300 tỷ đồng vốn tại Công ty CP Nova Hospitality, khiến doanh nghiệp bất động sản này phải “xoay vòng” dòng tiền hiện có? Liệu sức khỏe tài chính của Novaland đang có “bất ổn” nào không khi liên tục được chào bán, thoái vốn, hay mua về các công ty trong thời gian gần đây?

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, Novaland đứng giá, đạt 57.000 đồng/cổ phiếu.

T.Hà/Sở hữu Trí tuệ