VGT bán đấu giá 2,75 triệu cổ phiếu BVN với giá khởi điểm 22.500 đồng/cp

Vừa qua, HĐQT của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VGT) đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần sở hữu tại CTCP Bông Việt Nam (UPCoM: BVN).

Tổng số lượng cổ phần chào bán là 2,75 triệu cổ phiếu, chiếm 55% vốn điều lệ của CTCP Bông Việt Nam. Theo vietstock, số cổ phần này sẽ được chào bán cổ phiếu ra công chúng theo hình thức bán đấu giá công khai với giá khởi điểm 22.500 đồng/cổ phiếu.

Thời gian dự kiến thực hiện là quý 4/2019 hoặc quý 1/2020. Dự kiến, VGT sẽ thu về ít nhất gần 62 tỷ đồng từ đợt thoái vốn này.

Cổ phiếu BVN hiện đăng được giao dịch trên sàn UPCoM với tình trạng gần như trắng thanh khoản. Tới phiên 15/11, cổ phiếu này có giá 12.000 đồng/cp.

Trước đó, HĐQT của VGT cũng đã thông qua phương án chuyển nhượng toàn bộ cổ phần đang sở hữu tại CTCP Len Việt Nam. Cụ thể, Công ty sẽ chuyển nhượng hơn 2,75 triệu cp, tương ứng 67,15% vốn điều lệ của Len Việt Nam.

Số cổ phần này sẽ được chào hàng cạnh tranh với giá khởi điểm là 10.500 đồng/cp. Dự kiến, đợt thoái vốn sẽ được hoàn thành trong quý 4/2019.

Nói về hoạt động sản xuất kinh doanh của Len Việt Nam, 3 năm trở lại đây (2016 – 2018), Công ty này liên tục thua lỗ. Năm 2018 của LVN, doanh thu thuần đạt 24 tỷ đồng, giảm gần 22% so với năm 2017; lỗ gần 4,8 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tại thời điểm này gần chạm mức 49,5 tỷ đồng, vượt vốn chủ sở hữu 8,5 tỷ đồng.

Năm 2019, LVN đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt hơn 33.7 tỷ đồng, tăng hơn 29%. Công ty lên kế hoạch lỗ gần 9.6 tỷ đồng, gấp đôi số lỗ trong năm 2018. Lỗ trong năm chủ yếu là do thanh lý tồn kho, máy móc thiết bị, chi phí tồn tại cũ.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam tiền thân là Tổng công ty Dệt may Việt Nam được thành lập theo Quyết định ngày 29/04/1995 của Thủ tướng Chính Phủ trên cơ sở sáp nhập các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Dệt Việt Nam và Liên hiệp sản xuất - xuất nhập khẩu May. Quá trình hình thành và phát triển của Vinatex gắn liên với lịch sử hình thành và phát triển ngành Dệt may Việt Nam, Vinatex luôn giữ vị trí nòng cốt đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành, theo cafef.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ