Trái ngược với Việt Nam, Nga đau đầu vì thiếu hụt đàn ông

Ở Nga, tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêng về phái nữ đang khiến các nhà chức trách đau đầu tìm giải pháp.

Dẫn thông tin từ Cục Thống kê liên bang Nga (Rosstat), báo Tuổi Trẻ cho biết, tình trạng nữ thừa nam thiếu ở nước này sẽ tiếp tục duy trì về dài hạn. Đến năm 2036, khu vực duy nhất ở Nga có số đàn ông đông hơn phụ nữ là khu tự trị Chukotka nằm ở vùng Viễn Đông.

Thiếu nữ Nga trong quân đội (ảnh: internet).

Cụ thể hơn trong năm 2019, cứ 1.000 đàn ông Nga thì có đến 1.154 phụ nữ. Đến năm 2036, tỉ lệ sẽ là 1.000 đàn ông/1.128 phụ nữ.

Các chuyên gia nhân khẩu học nhận xét hiện tượng mất cân bằng giới ở Nga không phải lỗi của tâm lý lựa chọn giới tính như một số nước Á Đông, vấn đề nằm ở tỉ lệ tử vong cao của cánh đàn ông nước này.

Theo Giáo sư Aleksandr Timofeev – Trường Kinh tế Plekhanov (Matxcơva): “Tuổi càng lớn, cán cân càng nghiêng nhiều hơn (về phái nữ). Do đó có thể kết luận vấn đề nằm ở tỉ lệ tử vong cao trong nhóm đàn ông thanh niên. Đáng chú ý, đến độ tuổi 60, cứ 1 quý ông Nga thì có đến 2 phụ nữ (do đàn ông chết nhiều hơn), sự chêch lệnh lớn này dẫn đến hiện tượng biến dạng nhân khẩu học trong xã hội”.

Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, trong kịch bản xấu nhất dân số Nga sẽ giảm xuống 83,7 triệu người đến năm 2100 nếu tỉ lệ sinh không cải thiện.

Ngược lại với tình trạng trên, tại Việt Nam, theo Cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, tỷ số chênh lệch giới tính – sinh nam nhiều hơn nữ, tiếp tục tăng nhanh.

Năm 2018, tỷ lệ giới tính khi sinh là 115,1 bé trai/100 bé gái, tăng 3% so với năm 2017, không đạt được mục tiêu giảm chênh lệch còn 112,8 bé trai/100 bé gái. Mức chuẩn sinh học bình thường là 105 trẻ nam trên 100 trẻ gái chào đời.

Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng xấu tới cấu trúc dân số trong tương lai, dẫn tới tình trạng dư thừa nam giới trong xã hội. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ có từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ.

Hoàng Quân | ĐKN